MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ấn rồng phiên bản gốm Bát Tràng ra mắt dịp Tết năm nay. Ảnh: Thu Thuỷ

Độc đáo phiên bản ấn rồng đón Tết Giáp Thìn của nghệ nhân gốm Bát Tràng

THU THUỶ LDO | 16/01/2024 06:21

Lấy cảm hứng từ ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng, các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng cho ra đời sản phẩm ấn rồng phiên bản gốm độc đáo, trình làng đúng dịp đón Tết Giáp Thìn 2024.

Theo đó, khoảng gần 2 tháng trở lại đây, một cơ sở sản xuất gốm sứ tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã khởi động cho ý tưởng làm sản phẩm ấn rồng đón Tết.

Đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm gốm sứ, nghệ nhân Phạm Việt Khoa (60 tuổi, quê Bát Tràng) đang tất bật thực hiện công đoạn lắp ghép các chi tiết thô trước khi chuyển sang giai đoạn gắn vẩy và râu cho đầu rồng.

Theo ông Khoa, để làm ra sản phẩm ấn rồng chỉn chu, sắc nét từng chi tiết phải trải qua nhiều công đoạn. Quy trình gồm có dựng bản thiết kế theo ý tưởng, tạo khuôn từng phần nhỏ, đúc khuôn các chi tiết, chỉnh sửa, lắp ghép, tráng men, nung và vẽ dát vàng.

Ấn rồng gốm Bát Tràng phải trải qua nhiều công đoạn chế tác kĩ lưỡng. Ảnh: Thu Thuỷ

Tuy nhiên, hiện cơ sở sản xuất này chỉ dừng đến công đoạn tạo ra sản phẩm phôi. Còn công đoạn cuối cùng là dát vàng sẽ được chuyển giao cho một đơn vị chuyên biệt khác theo ý muốn của khách hàng.

“Công đoạn tạo hình bằng đất sét được coi là khó nhất, đòi hỏi người làm phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo. Từ đó mới có thể tạo ra từng chi tiết nhỏ sắc nét, mang đậm dấu ấn riêng” - ông Khoa chia sẻ.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất nơi ông Khoa đang làm cho ra lò khoảng 20 - 30 sản phẩm thô trước khi đem đi nung. Do đó, để kịp tiến độ của đơn hàng đã đặt trước, ông Khoa và khoảng 4 - 5 thợ khác làm không ngừng nghỉ cho đến tối muộn.

Công đoạn tạo hình cho ấn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Ảnh: Thu Thuỷ

Chị Lê Thị Luyện (sinh năm 1989, Hà Nội) chuyên phụ trách đúc khuôn các chi tiết trước khi chuyển sang cho nghệ nhân lắp ghép, chỉnh sửa cho hay: “Nhiều người lầm tưởng rằng, đúc từ khuôn sẵn rất đơn giản, chỉ cần đổ đất vào và chờ thời gian. Nhưng thực chất nếu như không cẩn thận, các chi tiết dễ bị bể, đứt gãy khi lấy từ khuôn ra".

Sau đó, các chi tiết sẽ được chuyển đến người phụ trách công đoạn cắt bỏ những phần thừa để tạo ra các phần của linh vật mẫu được chỉn chu. Việc gọt dũa các chi tiết không mất quá nhiều thời gian như công đoạn khác. Tuy nhiên, nếu bỏ qua công đoạn này để chạy theo số lượng, thành phẩm sẽ kém phần sắc sảo, tinh tế.

Sau phần tạo hình, sản phẩm sẽ được đem đi tráng men và nung, rồi chuyển sang đơn vị khác để dát vàng.

Người thợ chỉnh sửa những chi tiết của ấn rồng. Ảnh: Thu Thuỷ

Theo tìm hiểu, người thợ sử dụng vàng pha dạng lỏng để vẽ từng đường nét trên sản phẩm. Sản phẩm tiếp tục được nung từ 6 - 8 tiếng để các đường nét hiện lên sắc sảo, đẹp mắt.

Sau khi hoàn thiện khâu vẽ vàng, ấn rồng sẽ được đem đi nung lần cuối khoảng 6 - 8 tiếng, để nguội 14 tiếng rồi mới cho ra sản phẩm trưng bày cuối cùng.

Một thành phẩm hoàn chỉnh ấn rồng phiên bản gốm Bát Tràng. Ảnh: Thu Thuỷ

Phía cơ sở sản xuất này cho biết, khách hàng thường là doanh nghiệp, đơn vị tư nhân đặt với số lượng lớn. Giá cả không có mức cố định, hoàn toàn phụ thuộc vào hai bên đề xuất và thống nhất.

Năm nay, xưởng sản xuất này cho ra lò khoảng 250 - 300 sản phẩm trước Tết để giao cho các bên đã đặt hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn