MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Son môi làm từ quả gấc đang cháy hàng dịp cận Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: PV

Độc đáo son môi làm bằng quả gấc của cô giáo ở Kiên Giang

NGUYÊN ANH LDO | 31/01/2022 08:03
Kiên Giang - Quả gấc không chỉ dùng để nấu xôi mà qua bàn tay của cô giáo Pha Phăng đã trở thành những loại mỹ phẩm từ thiên nhiên, an toàn cho người dùng như son môi, tinh dầu dưỡng da trị nám và cả dầu gấc để ăn.

Ý tưởng từ chính làn da của mình

Chị Nguyễn Thị Pha Phăng, ngụ huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang đã cho ra mắt dòng son môi làm bằng chất liệu đặc biệt là quả gấc. Khi mới tạo ra sản phẩm nhiều người còn nghi ngờ e ngại nhưng với số lượng gần 1.000 cây son bán đi đã chứng tỏ son môi gấc được nhiều người tin dùng.

Kể về cơ duyên để sáng tạo ra các sản phẩm từ quả gấc, chị Pha Phăng (giáo viên dạy vật lý Trường THCS&THPT Long Thạnh) cho biết chính da mặt của chị trước đây bị tàn nhang và đồi mồi rất nhiều chị đã sử dụng đủ loại mỹ phẩm nhưng không hết. Có người bạn mách cho thoa dầu gấc trị sẽ đỡ thế là chị không mua mà tự mình lên mạng tìm kiếm thông tin và nghiên cứu cách làm dầu gấc.

Vì là sản phẩm tự nhiên không hóa chất nên hiệu quả thấy được phải qua khoảng 6 tháng sử dụng. Thấy công dụng quá tốt nên chị đã làm tặng cho bạn bè, người thân và nhiều người muốn mua nên chị bắt đầu làm để bán.

Với kiến thức tích lũy rồi tự học hỏi thêm, cô giáo Phăng đã tiếp tục mày mò nghiên cứu và thành quả là son môi gấc đã có đủ sắc độ màu như các dòng son trên thị trường.

Chị Huỳnh Thị Gấm, người dùng sản phẩm chia sẻ: “Tinh dầu gấc tôi dùng thấy rất hiệu quả còn son gấc thì mới đầu mình thấy khá lạ nhưng khi dùng thử thì mới biết là rất tốt. Tôi còn mua làm quà gửi tặng bạn bè nhân dịp tết này vì đây cũng là 1 món quà khá độc đáo”.  

Chị Phăng kể: “Ban đầu làm cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm cũng chưa hoàn thiện có khi thì khô quá, có khi thì màu chưa đạt... Mình không bỏ cuộc mà tiếp tục thử nghiệm điều chỉnh liều lượng thành phần thì khoảng 1 năm sau sản phẩm son môi cũng hoàn thiện đáp ứng được các yêu cầu về độ an toàn và thẩm mỹ”. Không chỉ dùng son làm đẹp mà công dụng của tinh dầu gấc trong son còn giúp dưỡng và trị môi khô, thâm nên son của chị cũng cháy hàng vào mùa tết này.

Cô giáo nặng lòng với học sinh

Năm 2019, son gấc của chị Phăng đã hoàn thiện và đã có giấy kiểm định đảm bảo không hóa chất của QUATEST 3 (KT-05422AH09). Sau đó, chị đã hướng dẫn nhóm học sinh của mình dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với đề tài “Tận dụng các phế phẩm từ quả gấc để làm nguyên liệu sản xuất một số sản phẩm chăm sóc da” (lĩnh vực hóa sinh) và đạt giải khuyến khích.

Cô giáo Nguyễn Thị Pha Phăng cùng nhóm học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Kiên Giang. Ảnh nhân vật cung cấp

Tiếp đó vào tháng 11.2021, sản phẩm son gấc do chị hoàn thiện mang dự thi cũng đạt giải khuyến khích cuộc thi Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đồng tổ chức.

Chị Phăng cho biết, nguồn nguyên liệu gấc ở quê rất nhiều thường ăn không hết để rụng bỏ rất phí nên chị đã thu mua lại. Không chỉ vậy chị Phăng còn khuyến khích các em học sinh trồng gấc vì không tốn công chăm sóc mà tới mùa chín chỉ việc thu hoạch bán lại cho chị để các em có thêm tiền đi học.

“Các em học sinh của tôi đa phần ở trong xã rất khó khăn, cha mẹ đi làm xa các em ở với ông bà già yếu. Tôi bảo các em trồng gấc để bán cho cô vừa không tốn công mà có tiền trang trải được một phần chi phí học tập và việc này đã giúp được nhiều em rồi”.

Ấp ủ đưa son gấc vươn xa

Son gấc là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên tự sản xuất thủ công nên đảm bảo sạch, không dùng hóa chất bảo quản. Quả gấc tưởng chừng bình thường không ai để ý đến nhưng nhờ ý tưởng sáng tạo của chị Phăng đã mang lại giá trị to lớn cho nó. Chị Phăng cũng ấp ủ ước mơ đưa dòng son đặc biệt mang tên của Việt Nam đi xa hơn không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế. Hiện tại chị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm sao không dùng hóa chất mà vẫn giữ được độ bền, lâu trôi hơn và thẩm mỹ cao hơn. Song song đó, chị Phăng cũng đang thực hiện các thủ tục pháp lý để son môi gấc có thể mở rộng thị trường.

Chia sẻ về dự định này, chị Phăng cho hay chị muốn phát triển làm son gấc lớn hơn không chỉ vì riêng mình mà chị hi vọng qua đây sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. “Trái gấc mình tận dụng dùng được hết không bỏ gì nên nếu mở rộng quy mô sản xuất thì có thể thuê nhân công làm các công đoạn sơ chế, đóng nắp, thu mua nguyện liệu gấc... sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân quê mình”, chị Phăng tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn