MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc đổi “hàng nóng” lấy bình chữa cháy đã đem lại hiệu quả kép trong công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Ảnh: Hoàng Thông

Đổi bom, mìn, vũ khí lấy bình chữa cháy vì bình yên cuộc sống ở Hưng Yên

Hoàng Thông LDO | 14/12/2023 12:53

Súng, đầu đạn, bom, mìn, dao phóng lợn, kiếm… đổi bình chữa cháy là cách làm mà Công an huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện đã đem đến hiệu quả kép khi vừa đảm bảo phương châm “nhà tôi có bình chữa cháy”, lại có thể đẩy lùi những tiềm ẩn, nguy cơ mất an toàn xã hội từ vũ khí tự chế, vật liệu nổ…

Làng quê thay đổi từ hiệu quả kép

Tại các đường quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang thay đổi từng ngày. Bình yên đã trở lại trên các tuyến đường sau hơn nửa tháng Công an huyện “bắt bệnh” tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập mang theo “hàng nóng” nghênh ngang đi trên đường từng khiến người dân khiếp đảm mỗi khi chạm mặt.

Ông Đỗ Đình Thuận (53 tuổi, ở huyện Khoái Châu) nhìn hàng trăm món “hàng nóng” bao gồm: Kiếm, dao phóng lợn, súng tự chế... tại trụ sở Công an đã nhận thấy hiệu quả, ý nghĩa của chương trình đổi bình chữa cháy lấy “hàng nóng” của Công an.

Hơn nửa tháng đổi “hàng nóng” lấy bình chữa cháy, Công an huyện Khoái Châu đã tiếp nhận 272 “hàng nóng” các loại. Ảnh: Hoàng Thông

Người đàn ông 53 tuổi này cho biết, gần đây, ông không còn gặp tình trạng thanh thiếu niên cầm theo “hàng nóng” đi trên đường nữa, ông cảm nhận được sự bình yên, an tâm hơn mỗi khi ra đường vào buổi tối, nhất là các tối cuối tuần.

Đến nay, sau hơn nửa tháng triển khai chương trình đổi “hàng nóng” lấy bình chữa cháy trên địa bàn 24 xã, Công an huyện Khoái Châu đã vận động người dân giao nộp được 272 vũ khí, vật liệu nổ… Trong đó, có 18 súng tự chế, 45 viên đạn AK, đạn K54 có 110 viên, dao phóng lợn và đao kiếm 51 chiếc và nhiều pháo tự chế…

Chương trình đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy đã đem lại hiệu quả kép, mang lại giá trị thiết thực đến với địa phương. Đó là vừa thực hiện được mục tiêu “nhà tôi có bình chữa cháy” vừa nhận được nhiều “hàng nóng”, giúp người dân nâng cao ý thức, nhận thức trong việc chấp hành pháp luật về PCCC.

Từ đó, giúp đẩy lùi được những nguy cơ, tiềm ẩn về mất an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn và nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ và đánh giá tốt của người dân khi đem lại chuyển biến tích cực đối với địa phương.

Tìm “tận gốc” để đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn

Thời gian qua, cả nước xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Từ thực trạng ấy, UBND huyện Khoái Châu đã rời kêu gọi toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy với phương trâm “Nhà tôi có bình chữa cháy” để đến hết năm 2023, mỗi hộ gia đình trên địa bàn được trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, nhằm hướng đến mục tiêu: “Từng nhà an toàn, từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn; từng khu phố an toàn; từng xã, phường, thị trấn an toàn".

Đại tá Lê Văn Trưởng - Trưởng Công an huyện Khoái Châu cho biết, thời gian qua, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện đặt các điểm thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ tại xã để thu gom vũ khí, vật liệu nổ, đổi bình chữa cháy cho người dân.

Công an huyện đã vận dụng linh hoạt các hoạt động tuyên truyền đến từng thôn, xã ký cam kết về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ… giúp người dân nhận thức tốt hơn về quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Ông Đỗ Đình Thuận (bìa phải) và người dân địa phương cảm nhận được sự bình yên đã về lại trên địa bàn huyện. Ảnh: Hoàng Thông

Anh Trần Xuân Dinh (40 tuổi, trú ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) cho biết, khi biết Công an có chương trình đổi “hàng nóng” lấy bình chữa cháy, anh đã đem 2 thanh kiếm của cha ông để lại với múc đích trưng bày mang đến giao nộp cho Công an.

Sau khi nhiều người dân giao nộp vũ khí cho lực lượng Công an, anh Dinh có cảm giác nhẹ nhõm, an lòng. Bởi, việc lưu giữ vũ khí, súng tự chế trong nhà dù với bất kỳ lý do gì thì đều là việc làm sai trái. Việc giao nộp vũ khí cho Công an không những góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, người dân lại được nhận bình chữa cháy để “phòng thân”. Đây là việc làm ý nghĩa, được anh và người dân hưởng ứng.

Song song với chương trình đổi “hàng nóng” lấy bình chữa cháy, Công an huyện Khoái Châu còn tổ chức rà soát, lập danh sách, ký cam kết với các cơ sở làm nghề cơ khí, hàn xì, kinh doanh phế liệu… về việc không sản xuất, chế tạo, cung cấp, mua bán các loại vũ khí thô sơ, vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ... dưới mọi hình thức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn