MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM sẽ công bố Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức vào ngày 31.12.2020. Ảnh: Minh Quân

Đổi giấy tờ cho người dân sau khi thành lập Thành phố Thủ Đức ra sao?

MINH QUÂN LDO | 24/12/2020 17:32

Việc thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM được người dân đặc biệt quan tâm, bởi hàng loạt hệ lụy gặp phải như chuyển đổi giấy tờ, cán bộ giảm xuống có ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính...

Anh Nguyễn Văn Thành – 40 tuổi, sống trên đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) bày tỏ băn khoăn về việc xáo trộn các giấy tờ từ hộ khẩu, căn cước công dân cho đến số nhà, sổ đỏ, tài khoản ngân hàng… sau khi sáp nhập 3 quận: 2, 9, Thủ Đức thành Thành phố Thủ Đức.

“Sau khi thành lập Thành phố Thủ Đức, chính quyền thành phố mới cần quan tâm ngay đến công tác cải cách thủ tục hành chính để giấy tờ được giải quyết nhanh gọn, tránh bất cập và mất nhiều thời gian” – anh Thành nói và bày tỏ mong muốn chính quyền có thể hỗ trợ người dân để các thủ tục chuyển đổi giấy tờ được thực hiện nhanh chóng nhất.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, cán bộ ở đơn vị hành chính mới sẽ hỗ trợ người dân, chính quyền cũng không thu phí, lệ phí chuyển đổi giấy tờ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ông Huỳnh Thành Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Ông Nhân cũng cho biết giấy tờ hiện hữu vẫn còn giá trị thì người dân có thể sử dụng để thực hiện các giao dịch cá nhân, khi có nhu cầu cần chuyển đổi giấy tờ thì liên hệ các đơn vị liên quan để đổi.

“Chúng tôi không kỳ vọng khi mới thành lập Thành phố Thủ Đức thì đòi hỏi bộ máy phải chạy ngay mà cần giai đoạn sắp xếp, chắc chắn có vướng mắc nhưng sẽ giải quyết thuận lợi các nhu cầu hành chính của người dân” - ông Nhân nói.

Trong khi đó, ông Trương Trung Kiên - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, khẳng định việc chuyển đổi giấy tờ cho người dân không có gì khó khăn và sẽ được giải quyết nhanh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị "Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn tổ chức chính quyền đô thị TPHCM", ngày 24.12, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TPHCM phải bảo đảm ổn định cuộc sống người dân khi thành lập Thành phố Thủ Đức.

Theo ông Tuấn, để đảm bảo ổn định công việc cho cán bộ, công chức cũng như giải quyết các thủ tục hành chính cho đến khi Thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.3.2021, các cơ quan hành chính vẫn phải hoạt động liên tục, không bị ngưng trệ, đáp ứng nhu cầu của người dân trong sinh hoạt và các hoạt động kinh tế, giao dịch.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết chính quyền sẽ hỗ trợ người dân quận 2, 9 và Thủ Đức trong việc chuyển đổi giấy tờ sau khi sáp nhập thành Thành phố Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Minh Quân

Ông Phong cho biết ngày 31.12, TPHCM sẽ công bố những công việc cần làm tiếp theo khi hình thành Thành phố Thủ Đức, trong đó có việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân. “Việc chuyển đổi giấy tờ phải được chính quyền hỗ trợ sao cho thuận tiện nhất, tránh gây xáo trộn, phiền hà cho người dân” – lãnh đạo TPHCM khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn