MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác thải chất đống được những người lao công thu gọn về kho phân loại. Ảnh: P.V

Đời lao công vệ sinh bệnh viện: Nhọc nhằn và thầm lặng

PHẠM ĐÔNG - THÁI HÀ LDO | 12/05/2019 12:30

Công việc cực nhọc, cả ngày quẩn quanh bên những đống rác thải xú uế độc hại, nhưng những gì người lao công trong bệnh viện nhận được chỉ là những đồng lương quá bèo bọt kèm theo ánh nhìn coi khinh của nhiều người.

Những người sống cùng rác

Công việc của những người làm vệ sinh ở Bệnh viện E (89 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội) thường bắt đầu từ sáng sớm, lúc trời còn chưa sáng. Khi đó, những người công nhân làm vệ sinh lại phải tất tả ra khỏi nhà, thậm chí nhiều người ở xa còn phải lạch cạch đạp xe đạp hàng chục cây số đến bệnh viện cho kịp giờ làm.

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong bệnh viện là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh nhanh chóng bình phục. Rác tuy ngày ít ngày nhiều nhưng công việc của người làm vệ sinh ấy luôn phải túc trực thường xuyên. Chị Lê Thị Mùi (SN 1986, quận Thanh Xuân) cho biết, vào những tháng cao điểm, bệnh nhân nhập viện phòng chật cứng như nêm, rác nhiều hơn lên. Công nhân vệ sinh phải tranh thủ từng phút ăn tạm miếng bánh mì nguội lạnh mua từ sáng. Nhiều người làm không ngơi tay phải chịu cảnh bụng “rỗng”, mà có ăn thì cũng nôn nao khắp người không nuốt nổi miếng cơm.

Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1960, quê Nghệ An) vừa lau dọn hành lang vừa tâm sự: “Khu vực nào càng đông bệnh nhân, chúng tôi phải hết sức chú ý để dọn dẹp kỹ lưỡng. Các khoa có bệnh nhân đông, vừa dọn cách chừng chưa đầy 5 phút, rác lại đầy phè trong các túi. Nhưng cực nhất vẫn là công việc dọn nhà vệ sinh. Nhiều người ý thức chưa cao, họ tiện tay rồi bỏ cả rác vào bồn cầu làm ống dẫn tắc cứng, phế thải xú uế không trôi được, bốc mùi hôi thối nồng nặc”.

Bà Nga chia sẻ thêm, những lần như vậy, công nhân vệ sinh môi trường trong bệnh viện phải cố gắng tìm nhiều cách mới có thể dọn sạch được. Nhiều người không quen nhìn thấy cảnh tượng đó, dù đeo khẩu trang cũng phải nín thở trong giây lát mà vội vàng bước qua. Ngày nào cũng thế, những công nhân như bà Nga cũng phải “gắn bó” với hàng tấn rác thải đủ loại nên họ không còn mẫn cảm, quen dần với những chuyện cơm bữa như thế.

Mầm bệnh rình rập

Những người lao công thầm lặng “làm đẹp” cho bệnh viện, âm thầm đến rồi lại lủi thủi ra về khi hết ca. Sáng sớm, người người bước ra khuôn viên, thấy lòng khoan khoái mà đâu hiểu rằng có được quang cảnh đó, người lao công đã phải thao thức suốt đêm dọn dẹp, đánh đổi những phút giây hạnh phúc dành cho gia đình. Dẫu hiểu được rằng, nghề nào cũng quan trọng như nhau, nhưng mỗi lần hỏi chuyện, tỏ ý muốn quan tâm, đa phần những người lao công ấy thường rất mặc cảm với nghề được xem là không tên trong xã hội này.

Tranh thủ lúc chờ xe rác đến, chị Nguyễn Thị An (SN 1975) trải lòng: “Công việc này của tôi nhiều lúc vui không ai biết, buồn không ai hay. Rác quá tải, chúng tôi chưa kịp dọn hết, bệnh nhân tỏ vẻ khó chịu cáu gắt, có lần vô ý vứt rác bộp vào mặt. Biết thân biết phận, tôi nào dám cãi. Làm việc ở môi trường này, người lao công phải căng thần kinh xử lý vì chỉ cần chút sơ suất thì nguy cơ nhiễm bệnh truyền nhiễm vào người là rất cao”.

Chị Lê Thị Tâm (SN 1980), hơn 5 năm gắn bó với nghề dọn vệ sinh, chia sẻ, ở trong bệnh viện, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, giây phút ngắn ngủi giữa cửa tử cửa sinh, khiến những người lao công như chị Tâm không cần được lòng, nhiều khi ám ảnh cả tuần. Nhưng biết sao được, đó là công việc mưu sinh của chị, một phần vì những người bệnh, một phần là để có tiền cho con cái ăn học đến nơi đến chốn nên chị phải cố gắng làm tốt công việc.

Vất vả, nguy hiểm là thế, chị Tâm cho biết thêm, có nhiều người lao công trong bệnh viện cùng làm với chị phải đối mặt những nguy cơ bệnh lây nhiễm sau nhiều năm gắn bó với nghề.

Hầu hết những người lao công trong bệnh viện đều không bằng cấp, gia cảnh éo le. Họ không còn sự lựa chọn nào khác nên mới chọn con đường này. Vất vả, cực nhọc và đôi khi nhận được cái nhìn dè bỉu nhưng những người lao công ấy vẫn tâm niệm một điều rằng, nghề nào cống hiến sức lao động cho xã hội thì đó là nghề chân chính, đáng được tự hào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn