MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ bắt bọ gậy tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ). Ảnh: Lê Duy

Đối phó với dịch sốt xuất huyết gia tăng tại khu vực ĐBSCL

Thành Nhân LDO | 03/11/2022 10:00

Bước vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, số ca mắc sốt xuất huyết ở các tỉnh, thành tại khu vực ĐBSCL tăng cao. Các địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp để khống chế.

Số ca sốt xuất huyết tăng mạnh

Tại An Giang, trong 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện 3.733 ổ dịch, với 12.709 ca mắc SXH, tăng 609,6% so với cùng kỳ, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã phát hiện 2.421 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Còn tại Tiền Giang, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7.689 ca mắc SXH, có 6 ca tử vong; trong đó, ca thứ 6 (7 tuổi, ngụ ở xã Trung An, thành phố Mỹ Tho) tử vong vào ngày 24.10.

Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Long, trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.832 ca mắc SXH, trong đó có 42 trường hợp nặng và 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cao gấp 6,8 lần và tăng 3 trường hợp tử vong; số ổ dịch tăng gấp 7,2 lần (782/109 ổ).

Tại TP.Cần Thơ, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh TP.Cần Thơ, tính đến ngày 31.10.2022, toàn thành phố phát hiện 5.673 ca mắc SXH, trong đó 2 địa bàn quận Ninh Kiều và quận Thốt Nốt số ca mắc SXH cao nhất, lần lượt là 1.380 ca và 916 ca.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ, nguyên nhân gia tăng số ca SXH vì điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, dụng cụ trữ nước của hộ dân không được che đậy kín; vật dụng phế thải (lốp xe, chai nhựa, vỏ dừa, lu kiệu bể…) vứt bừa bãi chứa nhiều loăng quăng và vệ sinh môi trường xung quanh nhà chưa tốt…

Nỗ lực khống chế

Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng nhận định, số ca mắc SXH vẫn ở mức cao nguyên nhân là do thời tiết còn mưa nhiều kết hợp với nước triều cường dâng cao liên tục trong nhiều ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy phát triển… Do đó, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hệ thống giám sát bệnh tại các cơ sở y tế, thực hiện phân tầng điều trị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất trong điều trị cũng như xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng, giảm số ca chuyển nặng và tử vong.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế về công tác chẩn đoán, điều trị, chuẩn bị các cơ sở vật chất cho điều trị, phác đồ điều trị, đặc biệt là cập nhật kiến thức để có thể nhận biết bệnh và dấu hiệu chuyển nặng để chuyển tuyến điều trị kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân cùng chung tay thực hiện các giải pháp phòng bệnh.

BS-CKII Nguyễn Hữu Diệp - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, sở yêu cầu các Trung tâm y tế cấp huyện trên địa bàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, vận động CNVCLĐ, học sinh tham gia tích cực chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng tại cộng đồng, trường học. Các địa phương thành lập Tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, các Trung tâm y tế cấp huyện trên địa bàn tỉnh tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống SXH; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm là đơn vị phụ trách về chuyên môn kỹ thuật trong dự phòng, điều trị đối với các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là SXH, theo dõi tình hình dịch bệnh, đánh giá biện pháp đã triển khai và kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phòng, chống hiệu quả hơn.

Ông Huỳnh Minh Trúc - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ cho biết, trước tình hình SXH tăng cao, CDC Cần Thơ đã tăng cường triển khai các biện pháp như: Giám sát công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Y tế; Giám sát véc tơ và giám sát phun thuốc diện rộng tại các xã/phường có số ca mắc SXH cao. Đồng thời, tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, CDC cũng tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH và chuẩn bị đầy đủ về cơ số hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại các địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn