MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đời phu đá “đu mình” trên những vách núi cheo leo

QUÁCH DU LDO | 29/04/2022 08:52

Thanh Hóa - Trong thời tiết nắng như đổ lửa, chứng kiến cảnh những người “phu đá” đứng cheo leo, di chuyển trên những vách núi cao tít nhưng không có hoặc thiếu các đồ bảo hộ, khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy “lạnh người”.

Hiểm nguy rình rập đời “phu đá”

Xã Hà Tân, huyện Hà Trung được biết đến là “thủ phủ” các mỏ đá của tỉnh Thanh Hóa, nơi đây có hàng chục doanh nghiệp khai thác đá vôi và đá xanh, với hàng trăm công nhân, người lao động.

“Thủ phủ” các mỏ đá ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa).

Trong nhiều ngày có mặt tại đây, PV Báo Lao Động không khỏi choáng ngợp trước một đại công trường khai thác đá, việc khai thác rầm rộ không chỉ ở các núi đá lộ thiên (núi đá vôi), mà cả khu vực đồi núi đất. Tại đây, máy móc, công nhân thi nhau đào bới, bạt núi để khai thác đá xanh.

Chúng tôi rùng mình khi chứng kiến cảnh những công nhân khai thác đá đi lại, khoan đục trên những vách núi cheo leo mà không có hoặc ít các đồ bảo hộ lao động.

Ông P.D.T (trú tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung), một người từng nhiều năm làm việc tại các mỏ đá cho biết, “đời phu đá, bạc như đá vôi”, biết là nặng nhọc, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nhưng vì miếng cơm manh áo, vì mưu sinh nên nhiều người vẫn phải lao vào làm việc.

Trước đây (khoảng hơn 10 năm về trước), nghề làm đá rất nguy hiểm vì khai thác theo kiểu “hàm ếch” - khai thác từ dưới lên, nên mỗi lần nổ mìn lượng đá đổ ụp xuống và dễ gây tai nạn cho công nhân khai thác. Thậm chí đã xảy ra nhiều vụ chết người.

Những công nhân (dấu khoanh đỏ) “đu mình” trên đỉnh núi cao mà không có đầy đủ các đồ bảo hộ.

“Những năm trở lại đây, việc khai thác theo kiểu cắt tầng và đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, cũng như đồ bảo hộ nên có phần giảm đi các vụ tai nạn, đặc biệt là tai nạn chết người. Tuy nhiên, nói là giảm chứ không phải không xảy ra. Vậy nên nghề làm đá vẫn là nghề nặng nhọc và luôn phải đối diện với hiểm nguy rình rập” - ông T. cho hay.

Anh D.V.L (trú tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, dù không phải là người ở xã Hà Tân, tuy nhiên, anh thường hay đi làm qua đây, mỗi lúc ngang qua khu vực các mỏ đá đều rất sợ. "Từ tiếng máy nghiền đá, khoan đục, tiếng xe chạy ầm ầm, bụi mù mịt. Thậm chí, đứng gần khu vực mỏ, chứng kiến cảnh những công nhân khai thác đá leo trèo, đu mình trên những vách núi, trong khi không có đồ bảo hộ, tôi có cảm giác lạnh người" - anh L. chia sẻ.

Các mỏ đá không vi phạm

Trao đổi với Lao Động, ông Trương Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Hà Tân, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn xã hiện có 13 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá (cả đá vôi và đá xanh), với tổng số 148 công nhân lao động làm việc thường xuyên, ngoài ra còn một số lao động làm việc theo thời vụ.

Công nhân khoan đá và di chuyển trên vách núi dựng đứng vô cùng nguy hiểm, mà không có đồ bảo hộ.

Một số doanh nghiệp có đông công nhân lao động như Công ty TNHH Châu Quý (30 người), Công ty TNHH Hoàng Tuấn (18 người), Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tuấn Hiền (14 người), HTX Công nghiệp Đông Đình (20 người), Công ty TNHH Mạnh Trang (13 người), Công ty TNHH Hồng Phượng (12 người).

Theo ông Huấn, khoảng 4 năm trở lại đây, tại các mỏ đá của xã không xảy ra vụ tai nạn nào nghiêm trọng hoặc bị chết người. Hiện nay, tại các mỏ đá đều được trang bị máy móc hiện đại, đồ bảo hộ đầy đủ và tuân thủ khá tốt các quy trình trong khai thác đá.

“Ngoài ra, hàng năm chúng tôi cùng với lực lượng liên ngành của huyện, thường xuyên đến các mỏ đá để kiểm tra, giám sát việc khai thác, trong đó có việc kiểm tra vệ sinh, an toàn lao động. Vài năm trở lại đây, không phát hiện hoặc xử phạt một doanh nghiệp nào về vấn đề vi phạm vệ sinh, an toàn lao động” - ông Huân thông tin.

Công nhân đi lại trên đỉnh núi đá ở xã Hà Tân mà không có dây bảo hộ.

Hàng năm, xã và các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về các mỏ đá để kiểm tra toàn diện. Tuy nhiên, tại đây chỉ ít doanh nghiệp bị xử phạt vì khai thác quá cột (quá quy định), không có trường hợp nào vi phạm vệ sinh, an toàn lao động.

Cũng trao đổi về vấn đề trên, đại diện Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Hà Trung cho biết, trong 2 năm (2021 và 2022), chưa xử phạt doanh nghiệp khai thác đá (ở xã Hà Tân) về vi phạm vệ sinh, an toàn lao động. Hầu hết các cuộc kiểm tra chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở và khoảng 3 năm trở lại đây, địa bàn này không xảy ra vụ chết người nào do khai thác đá.

Chết người nhưng địa phương không hề biết?

Dù chính quyền địa phương (xã và huyện) cho rằng vấn đề an toàn lao động tại các mỏ đá (ở xã Hà Tân) là bình thường, tuy nhiên, qua nhiều ngày ghi nhận, PV Báo Lao Động nhận thấy, tại hầu hết các mỏ đá ở đây đều có dấu hiệu vi phạm về vệ sinh, an toàn lao động.

Cụ thể như, trong khu vực khai thác mỏ ngoài tiếng ồn, bụi bẩn còn có rất nhiều công nhân “đu mình” trên các vách đá dựng đứng, cheo leo mà không có, hoặc thiếu các đồ bảo hộ như mũ, dây đeo an toàn, găng tay, quần áo bảo hộ. Tình trạng này không chỉ có ở các mỏ đá vôi (mỏ lộ thiên) mà cả các mỏ đá ở khu vực đồi đất - nơi khai thác đá xanh.

Tại các mỏ đá ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đang tồn tại rất nhiều bất cập, thậm chí lơ là trong vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động.

Theo chính quyền địa phương khẳng định, nhiều năm nay tại đây không xảy ra vụ chết người nào do khai thác đá. Tuy nhiên theo điều tra của Lao Động, một vụ tai nạn ngã ở mỏ đá (của HTX Công nghiệp Đông Đình) đã khiến một nam công nhân (42 tuổi, ở xã Hà Tân) bị tử vong. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 20.1.2022.

Qua ghi nhận, xác minh tại các mỏ đá ở xã Hà Tân (huyện Hà Trung), công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đây có phần lỏng lẻo, chưa được lực lượng chức năng quan tâm, xử lý, dẫn đến tình trạng người lao động đang phải đối diện với nhiều nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất kể lúc nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn