MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bài viết tìm người đẻ thuê vẫn đang được đăng tràn lan trên các hội, nhóm của mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

"Đối tác" vụ nhận đẻ thuê bằng hình thức quan hệ trực tiếp đề nghị tiếp tục hợp đồng

Khánh Linh LDO | 23/07/2023 17:39

Liên quan đến vụ đẻ thuê bằng hình thức quan hệ trực tiếp xôn xao dư luận thời gian gần đây, không ít bạn đọc Lao Động trách nạn nhân đã quá nhẹ dạ cả tin, tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người cũng xót xa cho hoàn cảnh của người phụ nữ này.

"Đối tác" đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng

Ngày 20.7, Báo Lao Động có bài viết “Bẽ bàng vụ nhận “đẻ thuê” bằng hình thức quan hệ trực tiếp” liên quan đến nội dung phản ánh của người phụ nữ tên Phùng Mai Thu (36 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc), tố cáo anh Nguyễn Đình V. (30 tuổi, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) quỵt tiền sau khi thuê chị đẻ bằng hình thức quan hệ trực tiếp.

Tuy nhiên, khi thông báo rằng mình đã có thai, chị Thu không nhận được gì ngoài sự thờ ơ của "đối tác". Thậm chí, anh V. còn đăng bài tố chị Thu lừa đảo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Báo Lao Động đăng tải nội dung sự việc, phía anh V. đã liên hệ với chị Thu để thỏa thuận xử lí.

"Phía anh V. đã liên hệ với tôi để đề cập về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, tuy nhiên, tôi đang cân nhắc và vẫn chưa đưa ra quyết định có nên tiếp tục hay không" - chị Thu nói với phóng viên.

Nhiều ý kiến trái chiều

Sau khi bài viết đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Phần lớn bạn đọc bày tỏ thương cảm với hoàn cảnh của người phụ nữ, vì cần tiền nuôi con mà làm công việc trái với pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng, hành động của người phụ nữ là tự đưa mình vào thế khó, tiến thoái lưỡng nan.

Các bài viết tìm người đẻ thuê vẫn đang được đăng tràn lan trên các hội, nhóm của mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Bạn đọc Tuấn Đào chia sẻ: "Hợp đồng kiểu này rất rủi ro, dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người. Không phải vợ chồng nên không có sự tôn trọng, trân trọng giữ gìn cho nhau, không có sự giúp đỡ ủng hộ của gia đình".

"Việc này mọi hợp đồng đều không có hiệu lực về tính pháp lý nên rất khó để đưa ra pháp luật. Dù trong trường hợp nào, người thiệt thòi vẫn luôn là người phụ nữ" - bạn đọc Dung Nguyễn bày tỏ.

Cùng chung ý kiến, bạn đọc Vũ Quang cũng nhận định, chuyện như thời tiền sử mông muội, biết là "tại anh tại ả, tại cả đôi bên", nhưng khổ thân mấy kiếp người.

"Đúng là hai chữ "bẽ bàng", chỉ tội người phụ nữ đã khó lại càng khó thêm" - tài khoản có tên Thuong Nguyen bình luận.

Những bản hợp đồng được lập nên giữa chị Thu và anh V. nhưng hầu như không có giá trị pháp lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Nghị định số 10 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15.3.2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, những cặp vợ chồng hiếm muộn phải mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm chờ xét duyệt hồ sơ mới có cơ hội được phép cho mang thai hộ.

Nghị định số 10 cũng quy định chặt chẽ, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng.

Chính vì vậy, các "dịch vụ" đẻ thuê, mang thai hộ tràn lan trên mạng hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý cho cả người nhờ mang thai hộ lẫn người thực hiện dịch vụ; đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro cả về sức khỏe, danh dự và cuộc sống lâu dài.

Tính đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác về những vụ việc đẻ thuê, mang thai hộ. Nhưng mạng xã hội phát triển càng khiến cho hoạt động môi giới này diễn ra mạnh mẽ.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ việc giữa chị Thu và anh V. không có yếu tố cấu thành tội phạm bởi việc quan hệ là do hai bên tự nguyện.

Song về mặt dân sự, chiếu theo các quy định của pháp luật hiện nay, hợp đồng đẻ thuê giữa chị Thu và anh V. là vô hiệu cả về mặt hình thức lẫn nội dung, bởi hành động này pháp luật không cho phép. Đồng nghĩa với việc thỏa thuận giữa người đàn ông và người phụ nữ trong sự việc trên là không có hiệu lực.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn