MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng sẽ tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo nghề và người học tiếp cận vốn vay. Ảnh: hải nguyễn

Đơn giản thủ tục vay vốn để thúc đẩy đào tạo nhân lực

Văn Nguyễn LDO | 15/08/2020 12:34
Để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, các ngân hàng được yêu cầu ưu tiên dành nguồn vốn cũng như tạo điều kiện cho vay đối với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp

Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2019, lực lượng lao động (LĐ) cả nước từ 15 tuổi trở lên tăng gần 420.000 người so với năm trước, lên 55,8 triệu người và số LĐ có việc làm năm 2019 là 54,7 triệu người.

Ngoài lực lượng LĐ đông đảo, ThS Nguyễn Thúy Hải - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp - cho rằng, một lợi thế đáng chú ý là trong các năm gần đây, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Cụ thể theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/LĐ (tương đương 4.791 USD) và tiếp tục tăng hơn 270 USD so với năm trước. Tổng cục Thống kê đánh giá, NSLĐ đạt mức tăng 6,2% nhờ lực lượng LĐ được bổ sung và số LĐ có việc làm năm 2019 tăng cao.

Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Thúy Hải cho biết, thách thức lớn nhất với người lao động (NLĐ) hiện nay là tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực ngày càng rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam còn chậm. Trong khi đó, tỉ lệ LĐ qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt LĐ có tay nghề cao và chất lượng LĐ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập, khoảng cách giữa GDNN và nhu cầu của thị trường LĐ ngày càng lớn.

“Hơn nữa, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong LĐ thay đổi, trong khi các ngành nghề đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng LĐ của doanh nghiệp (DN). Khảo sát cho thấy, khả năng hòa nhập của học sinh, sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp trong môi trường LĐ mới còn yếu; khả năng thích ứng với thay đổi, kỹ năng thực hành và tác phong làm việc cũng là những thách thức không nhỏ đối với LĐ Việt Nam” - ThS Nguyễn Thúy Hải phân tích.

Cần đơn giản các thủ tục cho vay

Với thực tế trên, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu phải đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành và tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển GDNN. Một yêu cầu khác là cần đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với khung trình độ quốc gia, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm và các nghề có trong danh mục của hội thi tay nghề ASEAN.

Thực tế Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 5.2020 cũng đánh giá, dù chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao trong các năm gần đây nhưng quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần chú trọng đầu tư, phát triển GDNN trong thời gian tới cũng như rà soát, đẩy mạnh triển khai, quản lý hiệu quả các chương trình, dự án, liên quan đến GDNN.

Thủ tướng Chính phủ theo đó yêu cầu ngành ngân hàng nghiên cứu và triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng của các cơ sở GDNN. Triển khai nhiệm vụ này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa có văn bản gửi tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong đó nhấn mạnh nội dung các ngân hàng cần tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng và ưu tiên dành nguồn vốn cho vay đối với mục tiêu GDNN và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Đáng chú ý, để tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu các ngân hàng đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, công khai quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn, xây dựng chương trình lãi suất cho vay hợp lý và nâng cao khả năng thẩm định rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục dạy nghề và người học tiếp cận vốn vay phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề, Thống đốc NHNN yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) tiếp tục thực hiện tốt chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác. Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc VBSP - cho hay, trong nửa đầu năm 2020, vốn tín dụng chính sách hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 216.000 LĐ, trong đó 1.900 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giúp gần 9.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn