MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cây dổi lớn bị đốn hạ. Ảnh: THANH TUẤN

Đốn hạ cây rừng, nhưng… không để lấy gỗ?

THANH TUẤN LDO | 22/09/2020 07:58
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn Sró, ngày 21.9, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai - cho biết, sau khi nhận được thông tin, sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên tăng cường kiểm tra giám sát, luân chuyển các chốt kiểm lâm địa bàn, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện trong chỉ đạo các đoàn liên nghành gồm Công an, Huyện đội, Kiểm lâm trong việc kiểm soát lâm sản.

Như báo Lao Động đã phản ánh, hàng loạt cây gỗ chò, gỗ dổi có giá trị cao bị lâm tặc đốn hạ, vết cưa còn tươi mới tại khu vực rừng phòng hộ Sró (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai).

Rừng phòng hộ đầu nguồn Sró do UBND xã Sró, huyện Kông Chro quản lý với diện tích hơn 2.000ha. Trong thời gian ngắn, một số vụ phá rừng xảy ra quy mô lớn ở khu vực này. Trong khi để xảy ra nhiều vụ phá rừng, gây bức xúc dư luận địa phương thì Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro lại báo cáo lên cấp trên rằng nguyên nhân phá rừng là do… tư thù cá nhân.

Theo bản báo cáo ký tên ông Trần Hùng Anh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kông Chro, hiện trường vụ khai thác rừng trái phép diễn ra tại lô 9, khoảnh 5, Tiểu khu 805, thuộc lâm phần quản lý của UBND xã Sró. Trạng thái rừng thường xanh trung bình, là rừng phòng hộ.

Hiện trường phá rừng cách làng Bya khoảng 4 cây số đi về hướng đông nam, dọc đường không có đường xe cơ giới mà chỉ có lối mòn, dấu vết đã cũ. Tại hiện trường, có 4 cây gỗ khai thác trái pháp luật, bị cưa hạ bằng cưa xăng còn nguyên mùn cưa, lá cây còn tươi. Số cây khác bị đốn hạ nằm rải rác dọc theo đường mòn dẫn sâu vào rừng.

Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 5,216m3 gỗ, chủng loại Mít nài, Sp6, thuộc loại gỗ thông thường, đường kính từ 30-70cm. Ông Trần Hùng Anh nói rằng, số cây gỗ nói trên bị các đối tượng cưa hạ không phải nhằm mục đích lấy gỗ mà để trả thù cá nhân, phá hoại tình hình quản lý lâm sản trên địa bàn xã Sró. Đề nghị Công an huyện Kông Chro điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

Bản kết luận hiện trường “trái khoáy” này càng khiến dư luận bức xúc thêm. Chỉ trong thời gian ngắn, tình trạng phá rừng ở khu vực rừng phòng hộ này liên tiếp xảy ra. Công an huyện Kông Chro đang thụ lý điều tra, đã khởi tố vụ án nhưng chưa bắt được đối tượng nào.

Hồi tháng 3 năm nay, lâm tặc đã phá rừng ở Tiểu khu 805 do UBND xã Sró quản lý, với khối lượng gỗ thu được gần 41,5m3, bao gồm các chủng loại gỗ như chò, dổi, kháo. Tổng giá trị thiệt hại là gần 350 triệu đồng. Vụ án thứ hai xảy ra vào tháng 6.2020 ở xã Đắk Song, tại Tiểu khu 845 rừng phòng hộ đầu nguồn với khối lượng gỗ bị khai thác trái phép hơn 12m3 gỗ. Giá trị thiệt hại là hơn 92 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn