MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ đội biên phòng An Giang thực hiện kiểm tra thân nhiệt người dân biên giới. Ảnh: LT

Dồn sức phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới Tây Nam

Lục Tùng LDO | 11/11/2020 11:57

Đó là khẳng định của lãnh đạo các tỉnh biên giới Tây Nam ngay sau khi nhận được thông tin Vương quốc Campuchia vừa phát hiện trường hợp nhiễm dịch COVID-19 mới trong cộng đồng.

Xuất nhập trái phép qua biên giới có sự tiếp tay của một số người dân vùng biên

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp - cho biết, theo thông tin chính thống, những ngày đầu tháng 11.2020, tại Campuchia phát hiện trường hợp nhiễm virus SAR-CoV-2 từ sự kiện ngoại giao diễn ra tại thủ đô Phnom-penh.

Đây được xem như giọt nước làm tràn chiếc ly đầy ắp lo lắng trong thời gian qua cho các địa phương có đường biên giới liền với Campuchia, nhất là các tỉnh Tây Nam bộ. Bởi hiện nay, vùng đầu nguồn châu thổ sông Mê kông vẫn đang còn trong mùa lũ. Dọc dài trên tuyến biên giới hàng trăm cây số này là những cánh đồng nước đan xen với trăm nghìn đường mòn, lối mở... Đây chính là thách thức lớn cho lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch qua lại tuyến biên giới. Đặc biệt, có nơi như huyện An Phú tỉnh An Giang, đường biên chỉ cách nhau bởi con sông Bình Di có quy mô nhỏ, dễ dàng đưa xuồng, ghe vượt qua biên giới. Thậm chí như các địa bàn TP.Hà Tiên, huyện Giang Thành (Kiên Giang), huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) hay TP.Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) do đặc điểm “đất liền đất” nên có đến hàng ngàn đường mòn lối mở. Đây chính là cửa ngõ để các đối tượng bên kia biên giới thực hiện vượt biên trái phép.

Điều đáng lo hơn ở đây là nạn xâm nhập trái phép này còn nhận được sự tiếp tay bên trong của người dân vùng ven biên. Đại tá Trần Quốc Khánh- Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang - xác nhận, tất cả các trường hợp người xuất nhập trái phép qua biên giới đều có sự tiếp tay của người dân địa phương. Lợi dụng thời điểm bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều cư dân ven vùng biên, hiểu rõ đường mòn, lối mở, nhất là những vùng hoang vắng, khuất nẻo... như “lòng bàn tay” nhưng lại thiếu việc làm, giảm thu nhập, các đối tượng muốn qua lại biên giới với nhiều mục tiêu khác nhau, đã dùng tiền và quyền lợi để “mua chuộc”, sai khiến, nhờ cậy lực lượng này làm nhiệm vụ qua lại biên giới để vận chuyển hàng hóa, đưa đón người quan lại biên giới mà không thông qua các quy định kiểm tra sức khỏe, thực hiện cách ly y tế theo quy định... Thực tế những đợt phát hiện, bắt giữ nạn đưa người qua lại trái phép thời gian gần đây ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã chứng minh: Tuy khe cửa này hẹp, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn cho dịch bệnh tràn qua tuyến biên giới.

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát

Với tinh thần chủ động ngăn chặn mầm bệnh qua tuyến biên giới, thời gian qua, các tỉnh ven biên giới Tây Nam đã bố trí lực lượng tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trên tuyến biên giới. Theo đó, không chỉ tăng cường lực lượng công an, quân sự, biên phòng tổ chức các chốt tại các vị trí “nhạy cảm” để phòng ngừa nguồn dịch lây lan, còn bố trí lực lượng y tế, đoàn thể để làm công tác tuyên truyền, kiểm soát, phòng ngừa...

Tuy nhiên, trước diễn biến mới của dịch bệnh từ quốc gia láng giềng, các địa phương đã đặt mình vào tình hình mới. Không chỉ tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, duy trì lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên tuyến biên giới, các địa phương đã khẩn trương xây dựng phương án phòng chống mới. “Triển khai các phương án mới, trên tinh thần quyết tâm dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ ngoài vào nội địa đang có dấu hiệu gia tăng” - ông Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Theo ông Bửu, vì lý do đời sống, thời gian gần đây, người Việt đang sinh sống tại Campuchia đang tìm cách nhập cảnh về Việt Nam. Đa phần các đối tượng này “ngại” thực hiện quy định về cách ly y tế nên tìm nhiều cách để nhập cảnh trái phép. Trước tình hình này, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành công văn chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên tuyến biên giới. Ngay lập tức nhiều ban ngành chủ động triển khai. Cụ thể, ngành Công an đã đưa thêm tàu tuần tra lên trạm kiểm soát sông Tiền để tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới trên tuyến giao thông thủy ngay trên biên giới.

Trong khi đó, trong nội địa, Sở GTVT đã ban hàng công văn khuyến cáo các đơn vị vận tải hành khách tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải hành khách. Cụ thể là khuyến cáo tất cả hành khách phải thực hiện đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Tinh thần này cũng đang được các địa phương ven biển như An Giang, Kiên Giang triển khai thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn