MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đón Tết mới

Kiều Vũ LDO | 14/02/2024 14:11

Căn hộ chung cư ở cũng gần 10 năm, đôi chỗ tường bắt đầu có dấu hiệu bong tróc. Vòi nước bị bung phần lưới ở nơi nước chảy ra, khiến mỗi lần mở vòi, nước bắn xung quanh.

Tuổi đã bước qua con số 50 nên cũng cần làm mới một cái gì đó.

Vậy là quyết định sửa nhà. Sửa nhà để đón Tết mới.

Ngôi nhà trong mơ mang nét lãng mạn nhưng tối giản. Quan trọng phải thực sự là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, để mỗi khi bước chân về nhà, mọi bươn chải mỗi ngày đều ở lại phía ngoài cánh cửa ra vào.

Bỏ một buổi tối lên ý tưởng, thêm 1 tháng loay hoay vẽ ý tưởng ra giấy. Thói quen đi đến đâu, làm gì cũng chụp ảnh giờ được phát huy. Vài bức ảnh chụp cửa vòm trên đảo Hydra (Hy Lạp), đôi khung cửa xanh địa Trung Hải được mang ra nghiên cứu. Cái khó là làm thế nào để đưa những thứ thuộc về vùng đảo xa xôi ấy vào căn hộ chung cư.

Xong khâu thiết kế, đến khâu dọn nhà để bàn giao mặt bằng. Việc dọn, bỏ đi những thứ quá quen thuộc - nhưng cũng đã cũ, không còn sử dụng được - không mất nhiều thời gian như tưởng tượng nhưng lại rất dằn vặt. Cái cảm giác ấy không khác việc bỏ đi một thói quen hay một kiểu tư duy đã lỗi thời để có thể bắt kịp những điều mới. Khó nhưng vẫn phải làm.

Tranh LÊ THIẾT CƯƠNG

Nhà sửa xong, cảm giác mới không chỉ ở từng góc nhà, từng đồ nội thất (dù nhiều đồ nội thất vẫn là đồ đã có trước đây), mà là sự thay đổi hoàn toàn. Rất ít đồ đạc trong những thùng đồ được đóng gọn gàng trước khi sửa nhà còn phù hợp. Vì khi đã có được tư duy tối giản thì trong bếp chỉ cần 1 nồi nấu canh, một chảo rán và nồi nấu cơm. Nồi nấu canh chọn loại có thể vừa nấu, vừa kho. Tủ quần áo cá nhân cũng chỉ cần đảm bảo mỗi ngày một bộ; có 1 bộ trang phục cho những sự kiện lớn; có 1-2 bộ cho dự tiệc…

Nói ra có vẻ đơn giản nhưng quá trình lọc giữ gì lại, bỏ gì đi vô cùng khó khăn. Thực sự là phải đấu tranh tư tưởng vì tâm lý tích trữ đã ăn sâu trong suy nghĩ - cái tâm lý có ở hầu hết thế hệ 7X với nhiều năm sống trong thời bao cấp. Vả lại, còn luôn sợ bỏ đi rồi thì lấy cái gì mà dùng.

Nhưng rồi, nhớ mỗi sáng thức dậy nhìn tủ quần áo ngồn ngộn từ dưới lên trên mà vẫn không có gì để mặc, nhiều hôm muộn cả giờ làm vì không biết mặc gì, thì mới có thể quyết tâm bỏ bớt quần áo. Nhớ cả lúc tìm được trang phục rồi thì lại mất thời gian đứng trước tủ giày để chọn. Nếu chỉ có 3 đôi giày, một đôi đi với trang phục Âu, một đôi đi với đầm và một đôi cho đồ thể thao sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian… Còn lại, tất cả những quần áo, vật dụng, đồ dùng không nằm trên danh mục trên thì tìm địa chỉ những người không có điều kiện mua sắm để ủng hộ.

Điều không ngờ nhất là sửa nhà để đón Tết mới nhưng lại đón được cả những điều mới trong suy nghĩ. Nói theo triết học thì đã có sự thay đổi về nhận thức. Còn nói theo tuổi thì đã dám dứt bỏ những gì xưa cũ, không phù hợp và không níu kéo để bước sang qua mốc thời gian nửa đời người. Chia sẻ với bạn bè cùng trang lứa. Ai cũng bảo sau dịch bệnh COVID-19 suy nghĩ về cách sống, về sự hưởng thụ cũng thay đổi. Dường như sự phô trương, phù phiếm ít đi, thay vào đó là sự giản dị, thiết thực. Giá trị cuộc sống cũng khác đi nhiều.

Cũng chợt nhận ra tối giản là điều nên có giữa cuộc sống ngày càng hiện đại. Nhưng quả thực, để tối giản được - chứ không nhầm lẫn với đơn giản - thì hoàn toàn không dễ. Có lẽ rất cần có sự trải nghiệm nhất định và dám bắt đầu với sự mới ngay từ suy nghĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn