MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bé Biên Thùy đến trạm quân y để được bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng. Ảnh: Hàn Nguyên

Đón Tết với Biên Thùy

HÀN NGUYÊN LDO | 15/02/2024 13:20

Nơi biên giới Việt - Lào, những người lính biên phòng là quân y ngày đêm bám trụ với gió núi, mây ngàn để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở bản Pa Ling. Vào dịp Tết, hầu như họ không về sum vầy với gia đình, mà ở lại với dân bản.

Rời bản, đau ốm bà con không biết kêu ai

Làm quân y nhiều năm, công tác ở nhiều đồn biên phòng tuyến rừng tỉnh Quảng Trị, nhưng tới khi biên chế vào Đồn Biên phòng A Vao (đóng quân ở bản Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), thiếu tá Trần Minh Vũ và thiếu tá Hoàng Kim Bắc mới đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.

Bản Pa Ling có 750 nhân khẩu người thiểu số Pa Cô, cách trung tâm xã 15km với đường độc đạo băng qua nhiều núi đồi, gần như biệt lập với bên ngoài. Mỗi khi đau ốm, người dân chỉ biết nương nhờ Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng A Vao do thiếu tá Vũ và thiếu tá Bắc đảm nhiệm.

Cả trạm chỉ có… hai quân y, mọi việc đều đặt lên vai bất kể ngày hay đêm, nên không ai có thể sao nhãng. Cũng vì vậy, khi vào Pa Ling công tác từ năm 2019, cả hai quân y chưa năm nào đón Tết trọn vẹn với gia đình.

Thiếu tá Trần Minh Vũ kể, nếu công tác ở các đồn biên phòng khác ở gần trung tâm xã, có trạm y tế “gánh” việc, thì quân y nhàn hơn, nên ngày Tết có thể tranh thủ, còn ở Pa Ling thì chịu.

“Tết thì nhớ nhà, ai cũng muốn về quây quần bên vợ con. Nhưng bà con ở bản đau ốm không biết kêu ai, nên mấy năm nay chúng tôi đều bám bản, ở lại với bà con” - thiếu tá Vũ kể.

Từ năm 2019 vào đây công tác, Tết năm nào trạm quân y cũng đón khá nhiều “khách”.

“Khách” tới trạm vào ngày Tết, chủ yếu bị ngộ độc thức ăn và bệnh về đường tiêu hóa. Rồi có nhiều người dân Lào ở bên kia biên giới trở về thăm thân, cũng tranh thủ tới trạm khám bệnh và xin thuốc.

Quân y Biên phòng thăm khám, cấp phát thuốc cho đồng bào. Ảnh: Hàn Nguyên

Biên Thùy ra đời lành lặn, là Tết

Mới lớn, Hồ Thị Teng đã về làm dâu ở bản Pa Ling. Ở bản, vẫn còn phong tục đẻ chòi, nên khi Teng mang thai, chồng được bố mẹ hướng dẫn làm cho chiếc chòi tre bên nhà. Khi đến ngày sinh, Teng được đưa ra đó một mình hoặc có sự hỗ trợ của người thân là phụ nữ để sinh con.

Dù chưa đến ngày sinh, nhưng vào đêm mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Teng bất ngờ đau bụng dữ dội. Thấy Teng đau quá, chồng chị lo lắng cho cái thai trong bụng. Nghĩ đến lời bộ đội biên phòng dặn, sinh đẻ nên tìm đến y bác sĩ, sẽ an toàn hơn việc đẻ chòi theo tục lệ.

Dù gia đình hối thúc đưa ra chòi, chồng Teng vẫn cương quyết phải đưa đến trạm quân y. Trong đêm, anh chạy băng qua trạm quân y, nhưng vào đến cửa lại ngập ngừng vì ngại. Anh chỉ dám gọi khe khẽ, nhưng tiếng của thiếu tá Bắc lập tức đáp lại. Ngay sau đó, phòng khám ở trạm quân y được bật sáng, thiếu tá Bắc đề nghị đưa ngay Teng đến trạm.

Vốn không có chuyên môn về hộ sinh, nhưng từ khi tới trạm công tác, nên thiếu tá Vũ và thiếu tá Bắc phải học hỏi thêm các bác sĩ hộ sinh, để thuận lợi trong việc… đỡ đẻ.

Thăm khám thấy Teng yếu, cần hỗ trợ gấp, nên thiếu tá Bắc đã can thiệp. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ nỗ lực, đến 1h30 ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, sản phụ Teng đã sinh hạ 1 bé gái.

Khi mẹ tròn con vuông, gia đình Teng nói “quân y sinh ra cháu lần hai”, nên nhờ đặt tên. Thiếu tá Bắc đặt tên cho cháu là Hồ Thị Biên Thùy, còn trước đó, một trường hợp bé trai cũng sinh ở trạm, được thiếu tá Vũ đặt tên là Hồ Biên Cương.

“Mẹ con sản phụ đều bình an, như vậy là chúng tôi có Tết rồi” - thiếu tá Bắc cho hay.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Teng bồng Biên Thùy đến trạm quân y để được tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ. Biên Thùy sinh non, ban đầu ốm yếu, nhưng được các quân y thăm khám, cho thuốc bổ thường xuyên, nên nay đã cứng cáp.

Thiếu tá Bắc dặn, mùng 6 Tết Teng nhớ đưa Biên Thùy ghé trạm quân y để các bác tặng quà sinh nhật tròn 1 tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn