MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức kiểm tra hàng hoá tại chợ đầu mối. Ảnh: Thanh Chân

Đơn vị hành chính cấp sở đầu tiên phụ trách an toàn thực phẩm

Thanh Chân - Ngọc Lê LDO | 01/01/2024 14:08

Sau 7 năm thí điểm hoạt động từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đến nay Ban được nâng cấp thành Sở An toàn thực phẩm TPHCM và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2024. Đơn vị có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống thực phẩm bẩn, xây thực phẩm sạch, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người hành nghề.

Cơ sở pháp lý vững vàng

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, hiện nay, tình hình an toàn thực phẩm ở thành phố có nhiều khởi sắc. Trong năm 2024, trước mắt, sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống thực phẩm bẩn, xây thực phẩm sạch, không để xảy ra khoảng trống khi chuyển giao.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tuyên truyền để thực hiện công việc ở tầm cao mới. Theo đó, thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch tại nguồn. Đặc biệt, phối hợp cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch, tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại TPHCM bằng cách khuyến khích và tiến tới bắt buộc thực phẩm tại thành phố phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TPHCM. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của thành phố và tình hình thực tiễn của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức của sở và triển khai ngay các công việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Đẩy mạnh thanh tra đột xuất

Về công tác thanh tra, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho hay, đơn vị cố gắng đẩy mạnh thanh tra đột xuất, thanh tra theo thông tin.

"Điều này mới có ý nghĩa, bởi sở mong muốn doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thực phẩm luôn luôn "treo lơ lửng" rằng thanh tra có thể đến bất kỳ lúc nào" - bà Phong Lan khẳng định.

Phía sở cũng cho biết, sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin như đề án truy xuất nguồn gốc, đề án an toàn thực phẩm để tăng cường thực phẩm sạch. Đây cũng là một trong những lưu ý khi triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Sở An toàn thực phẩm TPHCM. Việc này góp phần tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ngày 24.6.2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.8. Trong đó có quy định, HĐND TPHCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1733/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 chấm dứt việc thí điểm hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM kể từ ngày 1.1.2024.

Sở An toàn thực phẩm TPHCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM có chức năng tham mưu, giúp UBND thành phố quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM; ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, giữ chức Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn