MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh khủng khiếp tại hiện trường sạt lở trên rạch Ông Chưởng (Kiến Thành- Chợ Mới) vào ngày 11.6.2018. Ảnh: LỤC TÙNG

Đồng bằng sông Cửu Long đang tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu

M.Q LDO | 18/06/2019 11:47
Các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp.

Sáng nay (18.6), Bộ trưởng Bộ TN&MT - Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên thảo luận diễn đàn chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện nghị Quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) khai mạc sáng nay tại TPHCM.

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Bộ TNMT - Trần Hồng Hà cho biết, diễn biến của BĐKH đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Vì vậy cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra như thế nào để giải quyết bờ sông, bờ biển dựa trên các quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà (bìa trái) tham quan mô hình đề chắn sóng biển bên hành lang hội thảo. Ảnh: Minh Quân
Theo ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL thực sự đang là những địa phương bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL và cả nước có 3 mặt giáp biển nên đang chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu so với các tỉnh trong khu vực.

Theo ông Hải, chỉ riêng đợt nắng nóng kéo dài do hiện tượng En Nino cuối năm 2015, đầu năm 2016, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại gần 53.000ha; trên 43.000ha rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng; đường giao thông bị sụp, lún, lở đất, hư hỏng trên 112km; hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng...

"Do chịu tác động nặng nề từ BĐKH, một bộ phận dân nghèo đã phải di cư đi tìm việc làm ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ" - ông Hải - nói.

Trong khi đó, từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh An Giang đã xảy ra khoảng 120 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm mất đất đai, thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường giao thông ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điển hình là vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 22.4.2017 tại bờ sông Hậu khu vực Vàm Nao làm nhấn chìm hoàn toàn 15 căn nhà, 2 nền đất, cắt đứt hoàn toàn đường giao thông liên xã và ảnh hưởng trực tiếp đến 108 hộ dân và 1 nhà máy xay xát phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu chỉ riêng vụ sạt lở này là khoảng 88 tỉ đồng và nguy cơ sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TNMT và Tổng cục phòng chống thiên tai - Bộ NNPTNT, hiện khu vực ĐBSCL có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km, trong đó sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch); sạt lở bờ biển 52 điểm với tổng chiều dài 268km.

Tại hội nghị, các đại biểu tham gia đóng góp các ý kiến thể hiện rõ các quan điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó thiên tai cho ĐBSCL: Phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Công; xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn