MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) thường xuyên diễn tập công tác phòng chống cháy rừng. Ảnh: Nhật Hồ

Đồng bằng sông Cửu Long: Khắp nơi căng mình phòng cháy rừng

NHẬT HỒ LDO | 28/02/2020 08:19
Toàn bộ diện tích có rừng tại Đồng bằng sông Cửu Long đều báo động cháy. Từ rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng sinh thái đều kiệt nước do khô hạn, nắng nóng mặn xâm nhập.

Rừng U Minh Hạ khô cạn hoàn toàn

Ông Huỳnh Minh Nguyên - Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau - cho biết, toàn lâm phần của vườn đã khô cạn hoàn toàn. Những ngày qua, toàn bộ lực lượng, phương tiện… đã được bố trí xuống địa bàn, nhất là các vị trí trọng điểm.

Không riêng gì rừng U Minh Hạ mà toàn bộ diện tích có rừng tại Cà Mau trên 42.000ha đều kiệt nước. Báo động cháy lên cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ông Lê Văn Hải - Cục trưởng Cục kiểm lâm Cà Mau - cho hay: “Lo nhất là các cụm đảo, diện tích rừng đã khô kiệt mấy tháng nay. Công tác phòng chống cháy rừng vô cùng khó khăn”.

Tại Bạc Liêu, rừng Vườn chim Bạc Liêu đang được dự báo nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp 5). Nhiệt độ trung bình đo tại khu rừng này là 32 độ C, độ ẩm khoảng 50 - 56% và gió mạnh. Điều lo lắng hơn là rừng Vườn chim Bạc Liêu cảnh báo cháy sớm hơn 1,5 tháng so với năm trước. Hiện mực nước ở các kênh, mương trong khu rừng rút cạn rất nhanh, thấp hơn mực nước năm 2019.

Vào thời điểm này các năm trước, mực nước dưới kênh rạch trong rừng còn hơn 3m nhưng hiện tại chỉ còn từ 2-2,3m. Trong khi đó, hệ thống các kênh trục vùng ngọt bên ngoài lâm phần đang trong tình trạng cạn kiệt, chỉ còn từ 1-1,5m. Các tuyến kênh cấp I còn từ 0,5-0,8m, trong khi các tuyến kênh cấp II, cấp III và kênh nội đồng khô cạn.

Ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau - cho hay, đến giữa tháng 2, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 42.300ha đã bị khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong đó, dự báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) là hơn 11.156ha và dự báo cháy ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là hơn 12.100ha. Đã có hơn 50% diện tích nằm trong cấp “báo động đỏ” về nguy cơ cháy rừng. Diện tích báo cháy phân bổ đều trên toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau. Trong tình thế như vậy, nếu lơ là, bất cẩn thì chỉ một mồi lửa nhỏ, cả đám rừng lớn có thể sẽ trở thành những ngọn đuốc.

Trực cháy như trực phòng tránh COVID-19

Theo Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu, hiện nay, lượng nước trên các trục kênh toàn lâm phần rừng đang cạn, nhất là vùng đệm, vùng lõi, cộng với lớp thực bì dày, độ ẩm cao… Nếu chủ quan, lơ là trong tuần tra, kiểm soát, việc giữ rừng sẽ khó.

Do đó, Ban Quản lý Vườn chim cùng lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tiến hành dọn thực bì, phát quang các tuyến đường, bờ bao, khu vực nguy cơ cháy cao; đồng thời, tranh thủ lúc đỉnh triều, lấy nước vào để tạo độ ẩm cho rừng. Ngoài ra, lực lượng cũng kiểm soát chặt hoạt động tham quan của du khách. Khu vực phục vụ du lịch giới hạn trong khu vực hành chính.

Ông Trần Bình Lộc - Giám đốc Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu - ví von: “Chúng tôi trực 24/24 không khác gì trực phòng chống COVID-19, bởi lơ là một chút là sẽ bùng cháy ngay”.

Tại An Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ; triển khai hàng chục phương án phòng chống cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn