MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những diện tích được nhà máy bao tiêu nông dân đang hối hả thu hoạch để tránh lũ. Ảnh: PV

Đồng bằng Sông Cửu Long: Nông dân chạy lũ, nhà máy chạy... nông dân

HOÀNG TÂN - TRẦN LƯU LDO | 22/09/2018 07:12
Nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2018 - 2019 với bao nỗi lo chồng chất khi nhiều diện tích mía vẫn chưa được các Cty ký hợp đồng bao tiêu, cộng thêm nước lũ và triều cường lên nhanh đang đe dọa nhiều vùng mía...

“Thập diện”… khó khăn

Vẻ mặt lo lắng nhìn 4ha mía của gia đình sắp thu hoạch, ông Huỳnh Văn Minh - ngụ ấp Mỹ Quới B (thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) - lắc đầu, ngao ngán: “Chưa năm nào tình cảnh trước khi vào vụ thu hoạch mía lại ảm đạm như bây giờ. Hiện mía sắp đến ngày thu hoạch mà vẫn chưa thấy thương lái hay nhân viên của nhà máy đường đến ký kết hợp đồng bao tiêu. Trong khi nước lũ đang lên nhanh, nếu không có giải pháp thì những cánh đồng mía sẽ ngập hết”.

Theo một số nông dân, hiện các nhà máy đường ở Hậu Giang ký hợp đồng cho nông dân với giá khoảng 700 - 800 đồng/kg. Với giá này thì nông dân không có lãi vì theo tính toán của họ, riêng chi phí thuê nhân công từ 160.000 - 180.000 đồng/tấn, cộng tiền giống, phân, thuốc trừ sâu..., chi phí đầu tư đã bằng, thậm chí còn cao hơn giá mua mía của nhà máy và thương lái đưa ra.

Thêm vào đó, ngành chức năng dự báo năm nay sẽ có lũ lớn và về sớm. Thực tế mực nước trên địa bàn huyện Phụng Hiệp lúc này đang cao hơn thời điểm bình thường từ 15 - 20cm và đang có dấu hiệu tiếp tục lên nên vấn đề tiêu thụ mía tại các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu càng cấp bách hơn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2018 - 2019 toàn tỉnh xuống giống được gần 10.600ha. Trong đó, huyện Phụng Hiệp chiếm 7.505ha. Nếu như mọi năm, lúc này diện tích mía đã được các nhà máy đường trong tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu. Nhưng năm nay, đến thời điểm này chỉ có gần 54% diện tích mía có hợp đồng bao tiêu. Chính điều này đang đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng huyện và người dân.

Đau đầu tìm giải pháp

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Hiện chỉ có Cty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) là thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân, nhưng cũng chỉ được gần 4.000ha/6.150ha được giao.

Còn tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, niên vụ mía 2018 - 2019 toàn huyện xuống giống được 5.400ha, giảm khoảng 1.000ha so với niên vụ 2017 - 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua rà soát của các địa phương trong huyện, số diện tích mía được các Cty bao tiêu là rất ít.

“Nếu Cty ký hợp đồng trước với nông dân, nhưng sau đó Cty lại không vào vụ được do khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ đường tiếp tục gặp bế tắc. Lúc này, Cty sẽ không thể thực hiện thu mua mía theo hợp đồng bao tiêu, nông dân sẽ càng khổ”. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng giám đốc Losuco giải thích việc Cty chậm ký bao tiêu mía. 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng thì vụ ép vừa qua Cty sản xuất 45.000 tấn đường nhưng hiện nay còn tồn kho 10.000 tấn và khâu tiêu thụ cũng rất khó khăn. Cty đang cố gắng giải quyết hết lượng đường tồn kho rồi mới tính tới chuyện ký hợp đồng mới với nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho biết thêm: Ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam để có những giải pháp kêu gọi các nhà máy đường trong vùng hỗ trợ thu mua mía cho nông dân Hậu Giang nhằm giúp bà con sớm tiêu thụ hết mía, hạn chế thiệt hại khi có tình huống lũ lớn xảy ra.

Tính đến hết ngày 15.8 thì lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 622.040 tấn (cao hơn cùng kỳ năm trước 67.584 tấn). Riêng vùng ĐBSCL trong 10 nhà máy đường thì đến nay đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được (1 nhà máy tại tỉnh Long An, 1 nhà máy tại tỉnh Kiên Giang, nhà máy tại tỉnh Cà Mau).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn