MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra vận chuyển lợn không qua kiểm dịch tại Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân dè dặt tái đàn lợn

nhật hồ LDO | 27/12/2019 11:40
Dù Bộ NNPTNT khuyến khích tái đàn, nhưng không phải người chăn nuôi nào cũng dám. Bởi giá lợn giống đã vọt lên đến trên 1,5 triệu đồng/con. Chưa ai dám chắc rằng 5 tháng sau giá lợn vẫn tăng và dịch bệnh ngay cả Bộ NNPTNT cũng không dám đảm bảo đã hết.

Quản lý lỏng lẻo, lúng túng công bố dịch

Khi “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi quét qua các tỉnh ĐBSCL mới lộ các địa phương lúng túng trong quản lý đàn lợn của tỉnh mình.

Con số của các Sở NNPTNT Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang báo cáo đàn lợn còn trong dân không cụ thể. Ông Dương Thanh Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thừa nhận: “Nhiều địa phương trong tỉnh vướng trong việc điều tra nắm rõ đàn lợn. Khi phát sinh dịch bệnh thì lúng túng trong cách xử lý”.

Hiện tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều không quy hoạch ngành chăn nuôi lợn. Chính điều này, khi xảy ra dịch chỉ biết phỏng chừng số lượng.

Ngay tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) khi dịch xảy ra, ít địa phương không báo cáo. Đến lúc lợn chết người dân vứt xuống sông thì UBND huyện này vội vàng công bố dịch trên địa bàn toàn huyện. Trong khi đó, có đến 3 xã hoàn toàn không có con lợn nào chết do dịch tả lợn Châu Phi. Chính vì vậy 3 xã này người dân muốn tái đàn cũng không được, vì cả huyện đều được công bố dịch bệnh.

Ngày 25.12, giá thịt lợn tại ĐBSCL đã chững lại sau khi có thông tin sẽ đảm bảo đủ thịt lợn trong những ngày cuối năm. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao (từ 70.000 - 80.000 đồng/kg đối với lợn hơi). Mức giá này được cho là tăng gấp đôi so với thời điểm chưa phát sinh dịch bệnh.

Chuyện khan hiếm thịt lợn trong những ngày Tết đến là điều có thật. Bởi, hiện tại số lợn nuôi trong dân ở ĐBSCL không còn nhiều. Số còn lại tập trung vào những doanh nghiệp lớn, trang trại có quy mô chưa bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo Sở Công Thương Bạc Liêu, tỉnh này không có doanh nghiệp chăn nuôi lớn nên tình trạng găm hàng chờ Tết là khó xảy ra.

Thận trọng tái đàn

Ông Lâm Trí Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y Bạc Liêu đưa ra khuyến cáo là nên thận trọng tái đàn trong thời điểm hiện nay. Bởi mầm bệnh vẫn còn, giá lợn giống quá cao, rủi ro về dịch bệnh còn thường trực. Tại Cà Mau, UBND tỉnh chính thức ban hành văn bản không hỗ trợ thiệt hại nếu người dân tái đàn trong vùng dịch bệnh.  

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh nghiêm cấm không cho lợn thịt, các sản phẩm từ lợn nhập vào nếu như không có giấy kiểm dịch từ gốc và không có giấy phép vận chuyển theo Luật Thú y. Dù có giấy tờ đầy đủ, nhưng khi vào địa bàn tỉnh cũng phải được tiêu độc khử trùng. Thịt lợn từ các điểm chợ đến “chợ di động” len lỏi trong thôn quê mà không đóng dấu  thú y phải được xử lý nghiêm. 

Trong khi đó, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nơi nuôi lợn nhiều nhất ĐBSCL, cũng khuyến cáo người dân chậm tái đàn. Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, nơi có đến 40% hộ dân sống bằng nghề chăn nuôi lợn nhìn nhận: “Rất khó tái đàn vì nếu tái đàn cũng không có con giống để người dân nuôi. Bởi các trại giống hiện nay ngưng cung cấp giống cho dân. Trong khi con giống người dân để nái chia lại cũng đã lên đến 1,5 triệu đồng/con. Mặt khác, chưa có cơ quan nào bảo đảm giá lợn đứng ở mức này và dịch bệnh không tái diễn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn