MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thôn tái định cư thuỷ điện xã Đăk Tăng,nhà cửa nằm dọc theo các sườn đồi, dễ sạt trượt đất. Ảnh T.T

Động đất, dân vùng gần hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum thêm lo núi lở

THANH TUẤN LDO | 25/08/2022 08:59

Kon Tum – Sống ở nơi đồi núi cao, mưa nhiều, nay lại động đất liên tiếp, người dân ở xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon TUm lo ngại  núi sẽ sạt lở.

thì nguy cơ sạt lở đất.

Động đất với rủi ro thiên tai cấp 1 đã làm ảnh hưởng tâm lý của nhiều người dân địa phương sống xung quanh lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum. Trong đó, những người lo lắng nhất là dân xã Đăk Tăng ở vùng lòng hồ thuỷ điện. 

Lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum. Ảnh T.T

Tại thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, anh A Khinh (47 tuổi) – cho biết: “Đêm ngủ tiếng rung mạnh, gạch ngói trong nhà suýt rơi trúng con nhỏ đang ngủ. Ngọn núi phía trước mặt làng no nước, nứt toác cả mảng lớn khiến dân làng ai cũng lo sợ”. 

Một ngọn núi lở trước làng. Ảnh T.T 

Nhiều năm trước, để thi công thuỷ điện Thượng Kon Tum, hàng trăm hộ dân xã Đăk Tăng phải rời làng, bỏ nhà cửa, ruộng nương để di dời lên khu tái định cư. Song khu tái định cư lại nằm chênh vênh dọc theo các sườn đồi, phía dưới là vực sâu, nếu chẳng may có sạt lở đất thì cả làng dễ bị… đất vùi cát lấp. 

Người dân thôn Đăk Tăng nhận các tờ rơi chỉ cách ứng phó với động đất. Ảnh T.T 

Chị Y Muôn - người dân thôn Đăk Tăng cho biết: “Đất đai nhà mình bị nước vùng lòng hồ thuỷ điện làm ngập rồi, khu tái định cư xa nương rẫy, đi lại khó khăn. Giờ đêm ngủ không yên vì động đất, con nhỏ khóc thét, cây cối cũng muốn ngã đổ”. 

Ông Nguyễn Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng – cho biết: “Xã xuống vận động bà con tránh hoang mang, lo lắng. Thực tế, địa hình đồi núi cao, mưa nhiều đất đai ngấm nước cùng với động đất thì nguy cơ sạt lở đất ở vùng Đăk Tăng vào mùa mưa lũ rất lớn”.

Người già và trẻ em lo sợ động đất. Ảnh T.T 

Ông Trần Công Đàm – Giám đốc Công ty thuỷ điện Thượng Kon Tum (chi nhánh của Công ty Cổ phần thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh) – cho biết: Trong những trận động đất vừa qua, thuỷ điện tích nước ở mức bình thường, chưa phải mức tối đa. 

Qua kiểm tra các trạm quan trắc, hình ảnh camera từ đập thuỷ điện, đơn vị chưa phát hiện các vết nứt nẻ, hư hỏng xung quanh thân đập. 

Khu vực núi cao, núi đồi no nước dễ sạt trượt. Ảnh T.T 

"Thuỷ điện sẽ phối hợp với Viện Vật lý địa cầu để tiếp tục theo dõi, giám sát các trận động đất. Đồng thời sẽ học hỏi cách làm của thuỷ điện Sông Tranh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam trong vận hành, quản lý cũng như công tác hướng dẫn người dân ứng phó với động đất", ông Đàm nói. 

Ông Lê Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum – cho biết: "Các chủ hồ đập phải có biện pháp khi sự cố xảy ra, tuân thủ các quy định về tích xả nước và có trách nhiệm lắp đặt các trạm quan trắc, camera theo dõi, giám sát".   

Động đất kích thích do các thuỷ điện tích nước, mặc dù chưa gây thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông tại huyện Kon Plông. Nhưng ngành chức năng, các nhà khoa học, chuyên môn cần có các nguyên cứu, đánh giá cụ thể về tác động của các thuỷ điện, đảm bảo bình yên cho đời sống của người dân miền núi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn