MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng sạt lở đất, sạt lở núi ở huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) ngày càng diễn ra nghiêm trọng vào mùa mưa bão. Ảnh: Ngọc Viên

Động đất nhỏ, nỗi lo lớn

VIÊN NGUYỄN LDO | 03/09/2022 08:32

Mùa mưa bão cận kề, động đất lại liên tiếp xảy ra, người dân ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đang sống trong cảnh âu lo...

Nhà to, bụng đói

Sau 8 năm về nơi ở mới, nhường đất phục vụ dự án thủy điện Đăk Đrinh ở huyện Sơn Tây, người dân ở hai khu tái định cư (TĐC) Nước Vương, Anh Nhoi 2 ở huyện Sơn Tây phải sống trong cảnh thấp thỏm, bởi tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa bão. Nỗi lo đang ngày càng tăng, bởi nhiều ngày qua ở huyện Sơn Tây liên tục có các đợt rung lắc mạnh, bởi ảnh hưởng của những trận động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum - giáp ranh với huyện Sơn Tây.

Khu TĐC Anh Nhoi 2, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây có 33 hộ dân sinh sống. Đây là khu TĐC thuộc diện “sang chảnh” nhất tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ bề thế bên ngoài, những hộ dân sống trong các ngôi “biệt thự”, luôn canh cánh rất nhiều nỗi lo.

Ngồi bó gối trước hiên nhà, ông Nguyễn Văn Dũng (33 tuổi) ở thôn Mang Hin, xã Sơn Long than thở, ngày nào cũng diễn ra các đợt rung lắc. Rung lắc mạnh nhất vào chiều 23.8. Lúc đó, người dân ở khu TĐC phải tháo chạy ra khỏi nhà vì hoảng sợ. Ông Dũng nói, rồi hướng ánh mắt xa xăm nhìn về làng cũ. Ông bảo, “nhường đất đai ruộng vườn của mình, phục vụ làm dự án thủy điện Đăk Đrinh, năm 2014, tôi và hàng chục gia đình khác phải tháo dỡ nhà cửa, chuyển đến khu TĐC Anh Nhoi 2.

Về nơi ở mới, gia đình tôi được Nhà nước cấp 4.000m2 đất ruộng, nhưng diện tích đất này thiếu nước, nên không trồng lúa được, đành bỏ hoang. Không có đất sản xuất, quanh năm hai vợ chồng phải đi làm thuê, sống tạm bợ qua ngày...”.

Ông Đinh Văn Điều từng ở khu TĐC Anh Nhoi 2 thẳng thắn nói, khu TĐC được đầu tư xây dựng rất bài bản, với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế, nhưng cái cần nhất là đất sản xuất thì lại thiếu. Đồng thời, sạt lở đất vào mỗi mùa mưa bão, nên bụng dạ người dân rất bất an. Giờ thêm động đất triền miên, thì người dân chỉ còn nước quay về làng cũ.

Nhận thấy những bất an, thiếu thốn ở khu TĐC mới, nên vài năm trước, ông Điều dắt díu vợ con quay về nơi ở cũ, tìm hướng sinh kế bền vững hơn, bằng cách đầu tư nuôi hàng chục con bò, heo và trồng thêm 5ha keo.

Ông Điều cho rằng, về làng cũ tuy đường xá cách trở với trung tâm xã, nhưng có đất chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế người dân khấm khá hơn...

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long - lo lắng, hầu như ngày nào cũng xảy rung lắc do động đất, trước thực trạng đó, xã cũng tập trung tuyên truyền cho người dân cách ứng phó trước các tình huống xảy ra động đất, phần nào giúp người dân yên tâm hơn. Riêng khu TĐC Anh Nhoi 2 nền đất yếu, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao vào mùa mưa bão.

Huyện Sơn Tây có 9 dự án thủy điện, trong đó có 6 thủy điện đang hoạt động, trước thực trạng động đất xảy ra liên tiếp, huyện đã yêu cầu các nhà máy thủy điện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Ngọc Trân - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây - cho hay, trận động đất vào ngày 23.8 vừa qua, là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay ở huyện. Hiện các dự án thủy điện ở huyện vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn dù động đất thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện cũng mong các cơ quan chức năng của Trung ương phân tích rõ nguyên nhân động đất ở Kon Tum, dư chấn rung lắc sang Quảng Ngãi, để chính quyền và cả người dân nắm thông tin, chủ động ứng phó, nhất là mùa mưa bão đang cận kề.

Nhiều lần công tác ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, tìm hiểu về các trận sạt lở núi, động đất… PGS-TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản chia sẻ, những trận động đất vừa qua xảy ra ở tỉnh Kon Tum, gây rung chấn sang Quảng Ngãi là những trận động đất kích thích. Bất kể khi nào, các hồ chứa thủy điện tích nước thì hiện tượng động đất kích thích sẽ xảy ra.

Cường độ động đất ở mức 3-4 độ Richter, hiếm khi lên đến 5,5 độ Richter. Với cường độ như vậy, thì chưa đủ gây thiệt hại về nhà cửa. Tuy nhiên, nhà của người dân ở miền Trung, nhất là ở khu vực miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên nhà của họ cũng chưa được kiên cố, nên dù động đất ở cường độ nhẹ cũng dễ gây nứt tường nhà.

“Ở huyện Sơn Tây, có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao do nền đất yếu, vì vậy nếu cộng hưởng giữa mưa bão và động đất kích thích thì sẽ tăng nguy cơ sạt lở đất, sạt lở đồi núi. Vì vậy, chính quyền địa phương cần chủ động lên phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, nếu gặp mưa to gió lớn cộng hưởng với động đất kích thích. Những năm trước, chính quyền huyện Sơn Tây làm rất tốt công tác di dời dân đến nơi an toàn vào những mùa mưa bão…” - PGS-TS Trần Tân Văn khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn