MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thôn Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) lo sợ do động đất liên tục xảy ra khu vực này. Ảnh: Thanh Tuấn

Động đất ở Kon Tum, có cần kiểm tra các đập thủy điện?

Thanh Hải LDO | 23/08/2022 18:26

Dù trận động đất ở KonPlông, Kon Tum chỉ 4,7 độ richter, và độ sâu chấn tiêu đến 8.1km, nhưng lần đầu tiên rung lắc do dư chấn lại lan rộng, xa hàng trăm cây số. Vấn đề an toàn của các công trình hồ đập thủy điện trên các thượng nguồn sông... ở khu vực này cũng được đặt ra.

Như Lao Động đã thông tin, trận động đất với cường độ 4,7 độ richter lại tiếp tục xảy ra vào khoảng 14h08 ngày 23.8.2022 (giờ địa phương) tại huyện Kon Plông, Kon Tum, ở tọa độ: 14.768 độ vĩ Bắc - 108.209 độ kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. 

Đây là trận động đất thứ 6 liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay xảy ra ở khu vực này và là trận động đất thứ 12 trong vòng 2 năm qua.

Theo nhận định của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, tình trạng động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một thời gian dài với các trận động đất nhỏ nhưng thời gian gần đây bắt đầu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ. Động đất tại đây được cho là động đất kích thích - do quá trình tích nước các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn.

Riêng trận động đất chiều 23.8 cũng chỉ 4,7 độ richter, và độ sâu chấn tiêu sâu đến 8.1 - 8.2km, tương đương các trận động đất trước đây tại Kon Tum và tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam từ năm 2012. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên rung lắc do dư chấn lại lan rộng, xa hàng trăm km. 

Dư chấn trận động đất không chỉ gây rung lắc mạnh ở các huyện như Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Glie  của Kon Tum, mà các tỉnh thành lân cận như Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và thậm chí Hội An, TP.Đà Nẵng xa trên 300km vẫn cảm nhận rung lắc rất rõ mặt đất, nhà cửa... 

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) các trận động đất ở mức nhẹ và trung bình nhẹ từ 4.3 đến 5.9 độ richter thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Như vậy chưa tới mức ảnh hưởng nặng đến hạ tầng nhà cửa, phá hủy công trình.

Tuy nhiên việc xảy ra động đất với tần suất khá dày ở khu vực này đã khiến nhiều người dân lo ngại. Nhất là các khu vực dân cư dưới chân các công trình hồ đập thủy điện.  Nhiều người dân đề nghị các nhà máy thủy điện ở khu vực gần Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi cần rà soát và đánh giá nhanh về hạ tầng đập thủy điện, phát hiện bất thường để theo dõi, cảnh báo sớm.

Tại Quảng Nam, khi công trình thủy điện Sông Tranh 2 tích nước (năm 2012) từng liên tiếp xảy động đất kích thích tương tự ở Kon Tum hiện nay. Động đất kích thích do tích nước thủy điện Sông Tranh từng gây xáo trộn đời sống xã hội người dân Quảng Nam thời gian dài. Đến năm 2018, có đến... 70 trận động đất lớn nhỏ. Tuy nhiên, cường độ và tần suất động đất giảm dần.

Trả lời lo ngại của người dân bây giờ, trước các trận động đất ở Kon Tum, gây dư chấn mạnh, ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, Quảng Nam trấn an: "Ngoài các thiết bị theo dõi an toàn đập một cách thường xuyên, liên tục, ở Thủy điện Sông Tranh 2 đã được Viện Vật lý địa cầu lắp đặt 10 trạm, máy đo dư chấn động đất. Tất cả các số liệu đo đạc được truyền trực tiếp đến Viện này. Tại đây, các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật sẽ ghi nhận, phân tích và sớm đưa ra cảnh báo. Vì vậy, không cần đến lo ngại, đề nghị của người dân, thì việc kiểm tra, rà soát các chỉ số để đảm bảo an toàn đập, an toàn công trình nhà máy, hệ thống cảnh báo sớm... của Sông Tranh 2 đã vận hành thường trực rồi".

Tương tự, Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung (Quảng Nam) - ông Lê Đình Bản cũng cho biết hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ảnh hưởng đến an toàn hồ đập ở các thủy điện Sông Bung. Dư chấn rung lắc trận động đất này hơn lạ, lan xa đến Đà Nẵng, nhưng với cường độ và độ sâu chấn tiêu của động đất như ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu thì về mặt lý thuyết, chưa có nguy cơ đe dọa phá hủy các công trình xây dựng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn