MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một trong những nội dung được nhiều địa phương, tỉnh thành trong cả nước đặc biệt quan tâm. Ảnh: Anh Huy

Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nóng từ địa phương

THU GIANG LDO | 13/03/2023 06:17

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất hay thẩm quyền giải quyết đất đai là một trong những nội dung được nhiều địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm khi tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).  

Tập trung gỡ những nút thắt lớn

Mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Liên quan đến nội dung thu hồi đất, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã góp ý, đề nghị xem xét, giải thích khái niệm "dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", đặc điểm cần thiết để phân biệt với các dự án khác tại Điều 78 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng).

Theo Dự thảo, Nhà nước thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn sử dụng gắn với điều kiện đất bị thu hồi không phải là đất ở và thu hồi để tạo quỹ đất đấu giá hoặc đấu thầu. Như vậy, các trường hợp thu hồi đất này đã mở rộng khá nhiều so với Luật Đất đai hiện hành.

Trên thực tế cần xem xét thêm đối với những dự án có thể có tỉ lệ đất ở rất ít (ví dụ đất phi nông nghiệp trong khu đô thị) vì nếu theo Dự thảo thì trường hợp này phải có nhà đầu tư thỏa thuận mới thực hiện được việc thu hồi đất và triển khai dự án. Hoặc ngược lại, nếu chỉ có đất không phải đất ở, Nhà nước bỏ kinh phí thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thì có thể rất lâu mới triển khai được dự án, nhất là đối với các địa phương thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.  

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để tăng tính trách nhiệm trong việc quản lý, khai thác hiệu quả đối với quỹ đất. 

Bà Lưu Thị Hải Anh - Đại diện Hội Nông dân huyện Thanh Oai (TP.Hà Nội) - cho rằng, đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập về điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư.

Về việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu lên chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Hải Anh, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư, chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế.

Ngoài ra, cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng ở tạm thành ở thật. 

Cụ thể hoá nội dung để Luật Đất đai bám sát cuộc sống

PGS-TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội - đề xuất khi Nhà nước thu hồi đất là thu hồi quyền tài sản của người sử dụng nên cần quan tâm hơn nữa quyền của người sử dụng đất như quyền được bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, trong quy trình thu hồi phải đưa nội dung là kiểm soát điều kiện của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì mới triển khai hoạt động thu hồi.

Hiện nay, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 - 60% giá thị trường.

Như vậy, theo PGS-TS Doãn Hồng Nhung, việc thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất để tránh trường hợp bị lạm dụng, làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi, đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư.

Cùng mối quan tâm trên, PGS-TS Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội - cũng cho rằng, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất, cần có sự chỉnh sửa để đảm bảo làm rõ nội hàm các quy định và được áp dụng thống nhất.

Bà Nga đề xuất dự thảo Luật cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cần quy định cụ thể các tiêu chí nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. 

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Miễn tiền sử dụng, thuê đất dễ gây lãng phí

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được ý kiến và kết thúc vào ngày 15.3 tới đây. Tại khoản 35 Điều 3 dự thảo này quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian sử dụng đất. Về vấn đề này, nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dễ dẫn đến bất cập, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Chia sẻ với PV Lao Động, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, Luật Đất đai hiện hành quy định việc miễn tiền thuê đất có thể là miễn cho một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian thuê đất, căn cứ danh mục địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Với quy định như vậy là rất hợp lý và thể hiện đúng bản chất để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất... có thời gian hoàn vốn.

Sau khi hoàn thành đầu tư hạ tầng và bắt đầu kinh doanh cho thuê lại quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng, nhà đầu tư tiếp tục được miễn tiền thuê đất 15 năm nếu dự án thuộc huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Như vậy, với nhà đầu tư có tổng thời gian được miễn tiền thuê đất trong 18 năm, sau đó phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước trong 32 năm. Với chính sách này sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản - chỉ ra bất cập rằng, nếu quy định đưa ra tại dự thảo thì quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP sẽ không còn và đi theo 2 chiều hướng cụ thể: Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hoặc không được miễn tiền thuê đất, hoặc được miễn toàn bộ thời gian thuê.

Vị chuyên gia này phân tích, nếu theo hướng không miễn tiền thuê đất thì sẽ khó thu hút đầu tư, trái nguyên tắc khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu đãi theo Luật Đầu tư. Bởi lẽ, các dự án hạ tầng khu công nghiệp đòi hỏi huy động nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn để tạm ứng giải phóng mặt bằng, để đầu tư hạ tầng, san nền, làm đường giao thông...

Do vậy, ông Đỉnh kiến nghị sửa khoản 35 Điều 3 Dự thảo Luật Đất đai theo hướng, việc miễn tiền thuê đất có thể là miễn cho một số năm hoặc miễn toàn bộ thời gian thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 đang quy định. C.Nguyên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn