MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuống buồng chuối mật mốc khi còn trên cây đã được đóng "mật mã". Ảnh: Hưng Thơ

Đóng "mật mã" chống trộm cho chuối mật mốc ở vùng biên giới Việt – Lào

HƯNG THƠ LDO | 22/01/2020 08:42
Dịp cuối năm, giá chuối mật mốc tăng vùn vụt so với ngày thường. Để tránh tình trạng bị trộm cắp, cũng như xây dựng thương hiệu riêng, mỗi gia đình trồng chuối ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã đóng “mật mã” cho từng buồng khi chuối còn ở trên cây.

Theo ông Lê Quang Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, địa bàn huyện có 3.000 ha chuối mật mốc, được trồng tại các xã giáp biên giới Việt – Lào. Trong năm 2019, thời tiết không thuận lợi, năng suất chuối có giảm, nhưng người dân đã thu về hàng trăm tỉ đồng.

Hầu hết, chuối mật mốc đều được đóng dấu ở cuống của buồng chuối. Ảnh: Hưng Thơ

Bình thường, chuối mật mốc được các thương lái thu mua theo kg, rồi xuất sang Thái Lan hoặc Trung Quốc với giá tùy thời điểm. Riêng dịp giáp Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu mua chuối mật mốc về bày lên gian thờ, nên chuối được bán theo buồng, và giá tăng cao gấp nhiều lần.

Giá chuối tăng cao, có buồng chuối đẹp giá lên đến vài triệu, nên xuất hiện tình trạng trộm cắp. Vì vậy, khi buồng chuối còn non ở trên cây, người trồng đã phải làm “mật mã” cho từng buồng chuối.

Dọc buồng chuối cũng có dấu. Ảnh: Hưng Thơ

Chị Lê Thị Thu (trú tại thôn Nại Cửu, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa) có trồng 1.800 cây chuối. Dịp tết này, có khoảng 60 buồng chuối được xuất bán, buồng thấp nhất có giá 200 nghìn, cao nhất thì cả triệu đồng.

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, chị Thu chở ra chợ chuối ở ngã ba Tân Long nằm trên Quốc lộ 9 để bán. Ở cuống và dọc cuống buồng chuối nào của gia đình chị Thu cũng có hình chữ “TT” rất rõ nét. Chị Thu giải thích, do chuối trồng ở xa nhà, năm 2019 giá chuối ổn định ở mức khoảng 5 nghìn đồng/kg, dịp tết thì tăng cao nên xảy ra tình trạng trộm cắp. Vì vậy, gia đình chị Thu làm con dấu có chữ “TT”, khi buồng chuối mới ra tầm 15 ngày thì đóng dấu vào đầu cuống và giữa buồng chuối.

Ngoài đóng dấu, chủ các vườn chuối còn sơn màu ở cuống để tránh “chuối tặc“. Ảnh: Hưng Thơ

Khi buồng chuối có dấu, nếu người khác trộm thì phải xóa dấu bằng cách chặt cuống. Nhưng chặt cuống thì thương lái sẽ không dám thu mua vì biết chuối “không chính chủ”.

Ngoài ra, việc đóng dấu riêng sẽ tạo thương hiệu chuối cho từng gia đình. Nhiều thương lái chỉ cần nhìn dấu là biết chuối của ai, và có đẹp hay không…

Chợ chuối ngày cuối năm vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Ảnh: Hưng Thơ

Ông Đỗ Mỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long (huyện Hướng Hóa) cho biết, người dân ở xã trồng chuối nhiều nhất huyện. Nếu tính cả diện tích đất của Lào hợp tác để trồng chuối, thì người dân xã Tân Long có đến 1.800ha chuối.

Theo ông Mỉnh, giá chuối ngày thường thì năm 2019 rất ổn định, còn giá chuối dịp Tết Nguyên đán 2020 này thấp hơn mọi năm, nhưng cao nhất có buồng chuối lên đến 2 triệu đồng. Riêng dịp tết, nhiều hộ gia đình ở xã bán chuối, thu nhập vài chục triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn