MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các Y bác sĩ khoa Tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Đồng Nai: Tăng quyền tự chủ cho bệnh viện và áp dụng chính sách tốt, bác sĩ hết "nhảy việc"

HÀ ANH CHIẾN LDO | 23/04/2021 12:36
Cách đây vài năm, tại tỉnh Đồng Nai đã xảy ra tình trạng bác sĩ bệnh viện công chuyển sang làm việc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân - khiến ngành Y tế tỉnh báo động, lo lắng. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp thu hút, giữ chân của địa phương đến nay tình trạng bác sĩ “nhảy việc” gần như rất ít.

Bác sĩ “nhảy việc” qua bệnh viện tư: Lương cao gấp 3 lần

Thời điểm năm 2018, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã từng báo động về tình trạng chảy máu chất xám, khi hàng loạt bác sĩ từ bệnh viện công chuyển qua làm việc tại các bệnh viện tư nhân với lý do: Bệnh viện tư thu nhập cao hơn và ít áp lực hơn bệnh viện công.

Bác sĩ Đ.V.S, đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc một bệnh viện công của tỉnh Đồng Nai trước khi qua làm bệnh viện tư nhân chia sẻ: “Từ khi rời bệnh viện công sang bệnh viện tư, tôi thấy công việc thoải mái hơn, tập trung vào chuyên môn nhiều hơn khi không còn gặp phải các vấn đề “khó nói” tại bệnh viện công”.

Theo bác sĩ S, một nguyên nhân lớn là do các bác sĩ làm việc tại bệnh viện công lương thấp lại phải “bon chen” nhiều, bệnh viện tư nhân được trả lương cao gấp 3 lần bệnh viện công và đầu óc thoái mái hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm tại Đồng Nai rộ lên tình trạng bác sĩ “nhảy việc”, các bác sĩ có từ 2-5 năm sau khi làm việc ở bệnh viện công, khi được đào tạo có chứng chỉ hành nghề hoặc khi học xong CKI thường nghỉ việc do có sự mời gọi của các bệnh viện tư nhân.

Một lãnh đạo bệnh viện công chia sẻ: “Chúng tôi đã tổ chức một cuộc khảo sát cho thấy: Có tới 70% bác sĩ mong muốn mức lương từ 20-25 triệu đồng mới đủ sống, có 20% số bác sĩ mong muốn mức lương từ 25-30 triệu đồng. Do đó, mức dao động để bác sĩ đảm bảo làm việc tại bệnh viện công là khoảng 20 triệu đồng/tháng”.

Tăng quyền tự chủ cho bệnh viện, giải quyết được vấn đề bác sĩ hết “nhảy việc”

Để ngăn chặn tình trạng bác sĩ “nhảy việc” từ bệnh viện công sang tư, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã cho phép 3 bệnh viện công, có cơ chế tự chủ là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất được thí điểm thực hiện khoán việc cho bác sĩ và khuyến khích các bệnh viện khác thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai - cho biết, bệnh viện có khoảng hơn 200 bác sĩ. Tình trạng bác sĩ chuyển qua làm việc tại bệnh viện tư nhân đã giảm đáng kể. Để hạn chế tình trạng bác sĩ “nhảy việc” này, các bệnh viện đã chủ động tìm cách mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động, khám chữa bệnh ngoài giờ, khám chữa bệnh theo yêu cầu, mổ ngoài giờ nhằm có nguồn thu để tăng thu nhập cho bác sĩ. Ngoài ra, bệnh viện thu hút bệnh nhân bằng cách nâng cao hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ đối với bệnh nhân…

“Từ đầu năm đến nay chỉ có 6-7 trường hợp nghỉ việc với lý do hoàn cảnh gia đình, chuyển công tác, nghỉ đi học, không phải lý do thu nhập. Hiện bác sĩ “mới toanh” vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Nếu làm lâu hơn thì thu nhập còn tăng cao đáng kể” - ông Tuấn cho biết.

Còn theo TS-BS Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) - hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hầu như không còn tình trạng “nhảy việc”, nguyên nhân một phần do bệnh viện đã làm chặt khâu tuyển dụng bác sĩ “đầu vào”, chọn những bác sĩ có tâm huyết, không chọn tuyển “ào ạt”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn thiếu chính sách của Nhà nước để nâng cao thu nhập cho y, bác sĩ.

Ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - thì cho biết: Những năm trước đây, do các bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân ra đời “ào ạt” trên địa bàn Đồng Nai, thu hút các y bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công nên xảy ra tình trạng nhảy việc.. Tuy nhiên hiện nay, các bệnh viện tư nhân đã nhận đủ bác sĩ, làm việc ổn định nên đã “bão hoà”. Hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã có chính sách hỗ trợ thu hút nguồn lực ngành Y, đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Kéo dài thời gian thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực Y tế tỉnh Đồng Nai

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đồng Nai đã họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã thu hút được 168 bác sĩ, hỗ trợ cho 911 bác sĩ và 299 nhân viên y tế khu phố. Việc thu hút, hỗ trợ này đã giúp các bác sĩ, nhân viên ngành Y tế có thêm thu nhập, trách nhiệm với công việc, yên tâm công tác, góp phần tăng tỉ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh. Tuy nhiên, đến ngày 31.12.2020, các chính sách thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế đã hết hiệu lực.

Tại cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực Y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2017-2020 đến hết ngày 30.6.2022.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn