MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: T.V

"Đồng phục" cho xe taxi: Có làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp?

VƯƠNG TRẦN LDO | 18/08/2017 10:22
Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP. Nhiều điểm mới trong dự thảo như phân vùng hoạt động, các xe taxi trên địa bàn cùng chung màu sơn, cùng chung tổng đài… đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhiều băn khoăn với dự thảo

Theo quy chế Dự thảo đề xuất thành lập tổng đài điều hành chung cho xe taxi thông qua các hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm. Taxi sẽ bị phân vùng theo địa giới hành chính gồm nội thành và ngoại thành. Theo đó, taxi chỉ được hoạt động (dừng, đỗ, đón, trả khách) trong khu vực mà DN đăng ký khai thác.

Vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố và vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã còn lại của Hà Nội. Dự thảo cũng đề xuất từ năm 2018 sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung cho taxi; từ năm 2019-2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung; từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn TP.

Những thông tin về dự thảo này nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ vận tải taxi trên địa bàn Thủ đô. Theo đại diện một số hãng taxi thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội, quy định “cùng chung màu sơn, chung tổng đài” này đang có những điểm bất hợp lý. Đáng nói nhất là câu chuyện thương hiệu đã được gây dựng nhiều năm nay của các đơn vị này sẽ như “bỏ sông, bỏ bể” khi bị đánh đồng.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng, cần phải xem xét kỹ lưỡng các quy chế, đề xuất trong dự thảo và đưa ra quyết định kỹ trước khi ban hành.

Có gia tăng bộ máy hành chính?

“Một số đô thị lớn trên thế giới cũng thường có việc xe taxi 2-3 màu sơn giúp cho việc nhận diện. Tuy nhiên nếu có thực hiện ở nước ta phải tính toán để không phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần logo, bộ nhận diện thương hiệu của các hãng vẫn phải được thực hiện để khách hàng không bị nhầm lẫn giữa ma trận xe taxi.

Về việc đề xuất thành lập trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi chưa chắc đã làm chất lượng dịch vụ hay việc quản lý nhà nước tốt hơn mà trái lại làm gia tăng thêm bộ máy hành chính. Ngoài ra điều này cũng dẫn đến những lo ngại về việc điều hành, phân bổ hành khách không khách quan.

Mặt khác mỗi doanh nghiệp đều có cách điều hành quản lý, có chiến lược kinh doanh riêng để khai thác và mở rộng đối tượng khách hàng của mình. Do vậy việc làm này là hơi “dư thừa”. Một số quy định như vậy có thể dẫn đến làm giảm đi tính cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Về vấn đề đấu thầu và quyền khai thác phương tiện, các đề xuất này cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng để đảm bảo việc không dẫn đến những nảy sinh, nghi ngờ tiêu cực về Sở GTVT vừa là cơ quan quản lý, vừa là bên đứng ra giao thầu” - TS Đạt nói.

Liên quan đến việc này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho rằng, những đề xuất trong dự thảo nhằm hướng tới mục tiêu tạo một thói quen đi lại văn minh với một đô thị phát triển của một đô thị hiện đại. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 77 doanh nghiệp taxi với khoảng gần 20.000 xe taxi.

Số lượng xe tương đối lớn mà mỗi đơn vị là một kiểu, thì cần phải làm thế nào để hành khách, người dân nhìn nhận taxi có được sự đồng nhất phục vụ cho việc nhận diện loại hình vận tải này của thủ đô một cách tốt nhất. Còn về việc sử dụng chung tổng đài và các giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các xe taxi hơn.

“Về màu sơn ở đây chúng tôi cũng đang tính thêm, chung ở đây không có nghĩa là chỉ có một màu. Tùy theo loại hình xe, tính chất của xe chúng ta có thể chọn ra 2-3 màu sơn để phục vụ cho taxi Hà Nội” - ông Quang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn