MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đồng quê thương nhớ “Ông Bảy Cồ”

Lục Tùng LDO | 24/09/2019 15:14

“Thấy tivi đưa tin ông mất, vợ tôi đã khóc ngất, sau đó mấy đứa nhỏ cũng khóc vì thương “Ông Bảy Cồ” đã không còn...” - ông Võ Thành Dương, ngụ khóm 4, thị trấn Lai Vung (Lai Vung - Đồng Tháp) cho biết... Không chỉ gia đình ông mà nhiều gia đình ở đây cũng xúc động khi được tin đại tá phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy qua đời.

Ngay sau khi nhận được tin “Ông Bảy Cồ” - danh xưng thân thương theo phương ngữ Nam Bộ dùng để gọi tên ông Bảy vì có cơ thể cường tráng - trút hơi thở cuối cùng, nhiều người dân ở thị trấn Lai Vung và xã Tân Dương (huyện Lai Vung) đã tỏ lòng thương tiếc, đau buồn như mất đi người thân thương. Hơn thế nữa, nhiều người đã lăn xả và chung tay chuẩn bị chu đáo mọi việc để đón vị anh hùng về với đất mẹ.

Đại tá phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: LT

Nhà ông nằm bên bờ Kênh Xáng, vắng bặt bóng người vì tất cả đã lên TPHCM lo tang lễ cho ông, nhưng lòng người dân quê nhà vẫn đầy ắp hướng về ông với tất cả thành kính. Từ trung tâm thị trấn dẫn vào Kênh Xáng, nơi vợ chồng già ông sinh sống trong căn nhà cấp 4 bình dị, là hình ảnh tấp nập của dòng người chỉnh trang lộ làng, dọn cây ven đường để đón ông về với đất mẹ Lai Vung. Bởi lâu nay, ông là người thân của mọi nhà. 

Nhà ông Bảy nằm bên bờ Kênh Xáng. Ảnh: Lục Tùng
 

Ông Võ Thành Dương 60 tuổi, nhà giáp ranh và cũng là người bạn “trà dư, tửu hậu” với đại tá phi công huyền thoại hơn chục năm qua, nói: “Dù biết ông có nhiều công trạng, nhưng hơn chục năm về đây chung sống, trong con mắt mọi người, ông Bảy Cồ chẳng khác nào nông dân tốt bụng luôn chia sẻ, lo lắng vì cái chung.

Căn nhà cấp 4 bình dị ông Bảy sống từ nhiều năm qua. Ảnh: Lục Tùng
Nhiều người dân có mặt tại nhà ông Bảy để bày tỏ tình cảm thương tiếc. Ảnh: Lục Tùng

“Nhờ có ông Bảy quan tâm mà người dân dọc bờ Kênh Xáng có được con lộ khang trang để đi lại, có điện lưới thắp sáng và đang chuẩn bị đưa nước sinh hoạt đến tận nhà” - ông Dương chia sẻ - “Không chỉ kêu gọi bạn bè, người thân tham gia đóng góp, ông còn đóng góp “choàng” qua nhiều hộ khó khăn để công trình đủ kinh phí, sớm đưa vào sử dụng”. Vì vậy, khi biết ông ra đi đột ngột, chúng tôi vô cùng thương tiếc”.

Đôi mắt ông Dương ngấn lệ khi kể về Ông Bảy Cồ. Ảnh: Lục Tùng

Theo lời ông Dương, khi thấy tivi đưa tin Ông Bảy Cồ mất, vợ con ông ùa nhau khóc, nước mắt ràn rụa. Bản thân ông cũng xúc động mạnh vì sự ra đi quá đột ngột. Như thường lệ, 4h sáng hôm đó, ông sang nhà uống trà, sau đó ông về nhà làm vườn... Nhưng đến 15h cùng ngày thì được tin ông ngã bệnh, rồi ra đi... sau thời gian điều trị tại TPHCM.

Đôi mắt lưng tròng, giọng ông Dương rưng rức: “Đau buồn lắm, vì thường ngày ông Bảy sống rất chan hòa, bình dị, chia bùi sẻ ngọt với mọi người”.

Chị Lê Thị Kim Chi gương mặt đầy cảm xúc khi nhớ về nghĩa cử của ông Bảy với chòm xóm. Ảnh: Lục Tùng

Cùng cảm xúc đó, chị Lê Thị Kim Chi, nhà gần đó chia sẻ: “Ông trồng cây trái rất nhiều, nhưng không bao giờ bán, mà mỗi khi thu hoạch thì mang đến đến cho từng nhà trong xóm. Với người dân chúng tôi, ông Bảy là người ông đáng kính”.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn