MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh địa điểm kết nối doanh nghiệp với các nhà sản xuất. Ảnh: Lục Tùng

Đồng Tháp: 161 tài nguyên bản địa được công nhận là sản phẩm OCOP

Lục Tùng LDO | 03/01/2021 15:57

Không chỉ truyền lửa kích hoạt nhà nông “mặc áo mới” cho tài nguyên bản địa trở thành món ăn đặc sản, Đồng Tháp còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để chắp cánh cho đặc sản Đất Sen Hồng vươn cao, bay xa...

“Sau 1 năm phát động, Đồng Tháp đã có 161 tài nguyên bản địa được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao. Trong đó có 4 sản phẩm đang trong quá trình xem xét thăng hạng 5 sao” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ. Ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Đồng Tháp đã nhập cuộc với tâm thế quyết liệt cũng như mạnh dạn săn cơ hội để các sản phẩm OCOP của tỉnh trình làng tại nhiều trung tâm kinh tế của cả nước, như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh...

Cách làm sáng tạo, tâm huyết này của Đồng Tháp không chỉ kích hoạt chương trình OCOP dẫn đầu ĐBSCL (chiếm 161 trong số 507 sản phẩm OCOP toàn vùng) mà còn trở thành phong trào rộng khắp thu hút cả giới trẻ vào cuộc. Nhiều người phát huy cây, con bản địa để tạo thành sản phẩm ngon miệng, đẹp mắt như: Hoa sen sấy khô Ecolotus, trà lá sen Hà Diệp Liên, da cá sấy Quang Hiển, vỏ trái cây sấy Ngọc Phụng, mứt chuối phồng... Thậm chí có người trẻ như Lê Thanh Tuấn (TP.Hồng Ngự) còn kết hợp giữa hạt sen bưng biền quê nhà với cà phê Tây Nguyên để cho ra sản phẩm “Cà phê hạt sen” đầy ấn tượng mới với thức uống quen thuộc khi có thêm chức năng chống lão hóa...

“Các nhà sản xuất, nhất là người trẻ hãy đặt sự thích ứng của sản phẩm mình làm ra với nhu cầu thị trường lên trên các yếu tố khác” - ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang), đã chia sẻ tại Hội thảo “Chắp cánh cho sản phẩm OCOP và đặc sản vươn xa” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức trong chuỗi sự kiện Sản phẩm OCOP - Kết nối vươn xa” diễn ra từ 10-15.12.2020 tại TP.Cao Lãnh. Theo ông Sơn, nhiều bạn trẻ mong muốn đưa nhiều yếu tố vào sản phẩm để hướng tới mục tiêu như môi trường, sinh thái... Tuy nhiên, theo ông Sơn, đây là lúc các bạn trẻ cần tìm chỗ đứng trên thương trường nên cần có sự cạnh tranh rất lớn, nhất là giá thành. Sẽ bất lợi ngay từ trứng nước nếu thiếu khôn ngoan trong việc xác lập bước đi thích ứng.

Với tư cách là đồng chủ trì Hội thảo với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá rất cao cách làm của tỉnh Đồng Tháp: “Những chia sẻ chân tình, thiết thực kiểu này không chỉ vạch ra hướng đi để sản phẩm có được lộ trình tăng tốc, mà còn mang lại đáp án cho giải bài toán nhu cầu vốn một cách thực chất. Vốn là quan trọng, nhưng tối ưu hóa nguồn vốn mới là quan trọng nhất”.

Ngay sự kiện Hội chợ này, Đồng Tháp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để kết nối giữa các các nhà phân phối, siêu thị, doanh nghiệp tiêu thụ... và nhà sản xuất trong tỉnh có cơ hội tìm hiểu, trao đổi, liên kết, hợp tác và thực hiện những ký kết giao thương. Bên cạnh quy mô gần 300 gian hàng trưng bày các nhóm các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc thù của các địa phương, Đồng Tháp còn quy tụ nhiều khu vực trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ trong dây chuyền sản xuất, chế biến, khu vực giới thiệu sản phẩm hội quán, hợp tác xã và mô hình “Cà phê doanh nghiệp” giúp nhà sản xuất có thêm kênh tương tác với các doanh nghiệp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn