MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đồng Tháp: Chưa đủ cơ sở công bố dịch trên cây có múi

Lục Tùng LDO | 18/02/2020 17:19

Nhiều nhà vườn cây có múi ở huyện Lai Vung mong muốn được công bố dịch... Nhưng theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Tháp, căn cứ các quy định hiện hành,  chưa đủ cơ sở để công bố dịch.

Ngày 18.2, tại buổi báo cáo tình hình nhiễm bệnh trên cây có múi ở huyện Lai Vung cho Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh nắm, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết, hiện toàn huyện có trên 90% diện tích cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh (4.838,7/5.372,4ha) do nấm Fusarium, Phythopthora và tuyến trùng phát triển tấn công vào bộ rễ.

Cây có múi thành cũi sau khi chết hàng loạt. Ảnh: LT

Cụ thể, có 1.520 ha bị chết, phải đốn bỏ và 3.723,1 ha bị nhiễm từ trung bình đến nặng. Kết quả nghiên cứu từ các viện, trường xác định, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ tập quán canh tác lạm dụng phân hóa học và tập quán làm dẽ cơ học đất vùng gốc... gây ra. Vì vậy, theo ông Thiện, căn cứ các quy định hiện hành, chưa đủ cơ sở để công bố dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương. Ảnh: LT

Tuy nhiên, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã nhiều lần truyền đạt nguyện vọng của nhà vườn mong muốn được công bố dịch trên cây có múi để hưởng chính sách hỗ trợ tái canh. Sau khi nghe đại diện các sở, ngành, địa phương báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đề nghị Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Đồng Tháp khẩn trương hoàn tất việc rà soát lại các kết quả nghiên cứu, đồng thời xin ý kiến cơ quan chức năng để nhanh chóng đưa ra quyết định về việc công bố dịch trên cây có múi ở Lai Vung hay không?

“Dù biết rằng, nấm và tuyến trùng là do biện pháp canh tác gây ra, nhưng cần nghiên cứu xem, nấm và tuyến trùng này có khả năng lây nhiễm hay không? Nếu có, chúng ta nên công bố dịch vừa để hỗ trợ nhà vườn huyện Lai Vung có thêm điều kiện tái canh, vừa để các địa phương lân cận chủ động phòng ngừa khả năng lây lan”- ông Dương nhấn mạnh.

Quýt non bị rụng do cây bị chết xanh. Ảnh: LT
Được biết, nếu công bố dịch, các nhà vườn được hỗ trợ khôi phục dịch bệnh theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 14.5.2018 của UBND tỉnh theo mức hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng/ha. Trong trường không công bố dịch, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ theo 2 mức: Hỗ trợ 50% chi phí phân hữu cơ, nấm với mức 26,2 triệu đồng/ha đối với diện tích nhiễm nhẹ và hỗ trợ trồng mới đối với diện tích nhiễm nặng là 37,45 triệu đồng/ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn