MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với tay kéo lưới để thu hoạch nhưng không có con cá nào, ông Huỳnh Văn Đằng (63 tuổi ở xã Phú Hữu, huyện An Phú) chán nản: “Hơn 30 năm thâm niên đánh bắt cá mùa lũ, chưa năm nào lại có thu hoạch tệ như bây giờ”. Mùa lũ 2019, mỗi ngày mang lại thu nhập cho ông từ 1 đến 2 triệu đồng. Còn năm nay, cố gắng lắm mỗi ngày ông chỉ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Ảnh: Thành Nhân

Đồng Tháp Mười “khát” lũ": Nông dân lo mất sinh kế, sợ vụ lúa tới mất mùa

Kỳ Quan LDO | 30/09/2020 14:55
Đã giữa tháng 8 âm lịch mà đồng ruộng vùng Đồng Tháp Mười nước mới lấp xấp mặt ruộng. Vậy là lại 1 năm nữa lũ sẽ không về hoặc về nhưng thuộc loại “lũ đẹt”, “lũ kiệt”. Lũ không về Đồng Tháp Mười, người dân mất sinh kế, vụ lúa tới không hứa hẹn thuận lợi…

Ông Hồ Văn Bún – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An – cho biết, trước đây vào thời điểm này nước lũ đã về phủ trắng các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Nhưng năm nay, đến giờ nước lũ còn rất thấp, mới lấp xấp mặt ruộng.

Theo kinh nghiệm của bà con vùng Đồng Tháp Mười thì “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”. Vậy mà dù đã giữa tháng Tám Âm lịch mà mực nước ở các huyện đầu nguồn vẫn còn khá thấp.

Theo thói quen từ bao đời, cứ gần đến mùa lũ, bà con vùng Đồng Tháp Mười chuẩn bị các phương tiện dánh bắt cá mùa lũ. Nước lũ về mang theo nguồn thủy sản tự nhiên khá dồi dào, tạo thêm sinh kế cho người dân. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của người dân vùng lũ, nhất là đối với các hộ thuộc diện nghèo. Lọp, lưới, câu,... là những dụng cụ mưu sinh gắn với người dân vùng lũ bao đời nay, góp phần mang lại miếng cơm manh áo cho người dân Đồng Tháp Mười. Vậy mà giờ đây, những dụng cụ ấy còn xếp ở góc nhà.

Nguyên nhân lũ không về hoặc về ít năm nay được các nhà chuyên môn đánh giá là do tổng lượng nước mùa lũ trên dòng chính sông Mê Kông về hạ lưu bị sụt giảm rất mạnh, chỉ bằng 45% trung bình nhiều năm.

Biến đổi khí hậu đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã trở nên nghiêm trọng hơn bởi yếu tố con người như việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước.

Lũ không về hoặc về nhỏ, ngoài việc mất đi sinh kế, sản xuất vụ lúa sau lũ ở vùng Đồng Tháp Mười không hứa hẹn thuận lợi vì đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm. Từ đó, chi phí đầu tư cho vụ mùa như bơm, trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón,... đều nhiều hơn. Người dân vùng Đồng Tháp Mười một thời “chạy lũ”, bây giờ lại “khát” lũ giữa mùa lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn