MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đồng Tháp: Tại sao “vượt sóng vươn xa”?

Lục Tùng LDO | 03/02/2022 18:57

Đồng Tháp xác định năm 2022 “vượt sóng vươn xa” để rút ngắn khoảng cách do ảnh hưởng dịch COVID-19. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết năm 2022, tỉnh Đồng Tháp xác định tâm thế hoạt động là “vượt sóng vươn xa”. Cụ thể, Đồng Tháp xây dựng Slogan: “Thích ứng nhanh, nâng tầm vị thế; Đất Sen Hồng vượt sóng vươn xa.

Theo ông Nghĩa, đây không chỉ thể hiện quyết tâm của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành và thôi thúc các sở, ngành địa phương cùng hành động mà còn như kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cộng động doanh nghiệp cùng nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: LT

Cụ thể, cũng như nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp trải qua năm 2021 đầy sóng gió do ảnh hưởng dịch COVID-19. Tiếp đến, những ngày đầu năm 2022, với sự xuất hiện của biến thể mới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp...

“Nhận thức được điều này, Đồng Tháp xác định cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để bù đắp cho những tổn thất nặng nề vừa qua và thách thức sắp tới” - ông Nghĩa chia sẻ.

Trong kịch bản phục hồi kinh tế, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Bông sen, hình ảnh tiêu biểu của Đồng Tháp tại đường hoa Xuân TP. Cao Lãnh năm 2022. Ảnh: LT

Và trên cơ sở thực tế mà toàn đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Đồng Tháp đã thể hiện trong những ngày chống dịch, Đồng Tháp đã xây dựng cho mình slogan theo hướng “vượt sóng vươn xa”.

Thực tế cho thấy, mặc dù bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức khá khi đứng thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và mức khá so với cả nước. Trong đó GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,44 triệu đồng (tương đương 2.412 USD); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020); kim ngạch xuất khẩu tăng 12%. Bên cạnh đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến.

Một góc làng hoa Sa Đéc. Ảnh: LT

Để phát huy tinh thần “vượt sóng” đó, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp xác định khôi phục kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể tỉnh đã thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp để phân tích, đánh giá, đưa ra định hướng, tầm nhìn chiến lược nhằm phấn đấu hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 làm tiền đề phục hồi kinh tế. Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nhằm sớm khôi phục và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Song song đó, Đồng Tháp thực hiện 5 đột phá chiến lược phát triển. Trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế số... tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị...

Văn Miếu Đồng Tháp, một trong những văn miếu lâu đời ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: LT

Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc, phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn