MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự án bè tre Sầm Sơn huyền thoại: "Trôi" đến bao giờ?

Trần Lâm LDO | 26/07/2020 12:18
Đầu năm 2019, khi bài báo "Bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương: Ngư dân huyền thoại giờ ra sao?" của Báo Lao Động xuất bản, ông Trịnh Văn Chiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã rất quan tâm, chỉ đạo phục dựng lại chiếc bè huyền thoại này. Vậy nhưng, hơn một năm trôi qua, dự án vẫn lừng khừng, dang dở.

Bè tre huyền thoại

Theo sách "Bè tre Việt nam du ký" của nhà thám hiểm người Anh- Tim Severin, năm 1993, ông cùng nhóm thám hiểm đã đến Sầm Sơn, Thanh Hoá tìm hiểu và muốn thực hiện chuyến tham hiểm điên rồ: Dùng bè tre - một phương tiện đánh bắt cá gần bờ của ngư dân vượt đại dương tiến thẳng đến bên kia Thái Bình Dương, cập bến California – Hoa Kỳ.

Khởi nguồn của ý tưởng điên rồ này xuất phát từ một giả thuyết cho rằng những chiếc bè tre của người châu Á đã vượt Thái Bình Dương đến châu Mỹ.

Tháng 10.1991, khi đến Sầm Sơn, Tim rất phấn khởi khi nhìn thấy hàng trăm chiếc mảng được ngư dân dùng đánh cá hàng ngày đang phơi bên bãi biển, đó chính là loại phương tiện Tim và các đồng nghiệp đang tìm.

Sau khi trở về Anh nghiên cứu kết cấu của bè Sầm Sơn, Tim trở lại và bắt tay cùng người dân địa phương lên rừng thuộc huyện Ngọc Lặc, Quan Hoá (Thanh Hoá) đốn tre, luồng về kết bè. 

Ngày 16.3.1993, chiếc bè do những ngư dân Sầm Sơn đóng đã hoàn thành. Người Việt Nam duy nhất đi theo đoàn thám hiểm là ông Lương Viết Lợi với ý chí: "Người nước ngoài làm được thì người Việt Nam làm được!". 

 Ngư dân Lương Viết Lợi (phải) cùng đoàn thám hiểm. Ảnh Tư liệu do ông Lợi cung cấp.

Ngày 10.4.1993, chiếc bè hoàn chỉnh rời Việt Nam đến Hồng Kông để trang bị thêm các phương tiện, lương thực, nước uống và làm thủ tục để bắt đầu hành trình chinh phục Thái Bình Dương.

Ngày 17.5.1993, chiếc bè tre xứ Thanh cắm hai quốc kỳ của Việt Nam và Ireland, cùng các nhà thám hiểm giong buồm bắt đầu khởi hành từ Hồng Kông vượt Thái Bình Dương hướng đến nước Mỹ.

Chiếc bè tre Thanh Hoá huyền thoại trên đại dương. Ảnh do ông Lợi cung cấp. 

Hành trình 6 tháng với muôn vàn gian khó, hiểm nguy. Đến ngày 29.9 thì đến hải phận của Mỹ. Còn khoảng 1.000 dặm nữa là đến California - đích cuối cùng của cuộc thám hiểm nhưng gặp gặp bão lớn, trưởng đoàn Tim Severin quyết định lên tàu Nhật quay về.

Theo nhà thám hiểm Tim Severin, chuyến đi đã chứng minh giả thuyết người châu Á cổ xưa hoàn toàn có thể dùng bè mảng để đến Mỹ.

Ngày 25.11.1993, đoàn thám hiểm về tới Nhật, kết thúc chuyến thám hiểm bằng bè tre đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay.

Dự án khơi dậy niềm tự hào... "trôi" đến bao giờ?

Trở về, Tim Severin đã viết cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký” mô tả khá chân thực, sống động chuyến thám hiểm.  

Tết năm 2019, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền phát sóng chương trình đặc biệt về bè tre Sầm Sơn huyền thoại.

 Phóng viên Báo Lao Động (phải) làm việc với ông Lương Viết Lợi, phía trên tường là sơ đồ thiết kế chiếc bè tre huyền thoại. Ảnh: Trần Lâm

Trước đó, đầu năm 2019, Báo Lao Động có bài "Bè tre Sầm Sơn vượt Thái Bình Dương: Ngư dân huyền thoại giờ ra sao?" phản ánh toàn bộ hải trình và cuộc sống, hy vọng của ngư dân Lương Viết Lợi. 

Sau khi báo phát hành, ông Trịnh Văn Chiến - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chỉ đạo UBND TP. Sầm Sơn xây dựng đề án phục dựng chiếc bè tre huyền thoại nhằm nhân lên niềm tự hào quê hương, góp phần khẳng định chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó hình thành một sản phẩm du lịch giàu ý nghĩa cho thành phố biển.

Tháng 2.2019, ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn đã liên hệ, làm việc với phóng viên Báo Lao Động nhằm cung cấp thông tin. Sau buổi làm việc, phóng viên Báo Lao Động đã giới thiệu PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà nhân học biển nổi tiếng với ông Lương Tất Thắng.

Ngay từ năm 2019, UBND TP. Sầm Sơn đã liên hệ, làm việc với PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu và Bảo tàng Dân tộc học. Với ý nghĩa cao cả của dự án, Bảo tàng Dân tộc học đã hỗ trợ, cử cán bộ nghiên cứu, xây dựng đề án với tính chuyên môn cao. Vậy nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy.

Trong cuộc họp báo mới đây, nhiều nhà báo quan tâm chất vấn về dự án có ý nghĩa quan trọng này, ông Lương Tất Thắng cho hay đã và đang xúc tiến. "Đến nay, đã có huyện miền núi tặng luồng" - ông Thắng nói.

Vấn đề này cũng đã được các nhà khoa học đề cập tại Hội thảo khoa học xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo các nhà khoa học, Thanh Hoá có một huyền thoại như vậy rất cần được phục dựng, vừa tạo dựng hình tượng khơi dậy hơn nữa sự tự hào về quê hương, dân tộc, vừa có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần khẳng định người Việt đã dùng bè tre chinh phục các vùng biển xa từ xưa, hơn nữa để đa dạng sản phẩm du lịch.

Từ 21-23.7, tại Thanh Hoá diễn ra Hội thi Tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển đảo Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu nói: "Giá như Thanh Hoá có một bảo tàng, trưng bày về chiếc bè tre huyền thoại thì có ý nghĩa biết bao đối với việc tuyên truyền về biển đảo". 

Ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn. Ảnh: T.L

Đem băn khoăn này trao đổi lại với ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn, ông Thắng cho hay, đã làm việc với Lãnh đạo Bảo tàng Dân tộc học và đang tích cực chuẩn bị và sẽ thực hiện trong nay mai. 

Một sự kiện giàu ý nghĩa chính trị, du lịch như vậy mà chính quyền TP. Sầm Sơn loay hoay tới gần 2 năm vẫn chưa thực hiện được. Không biết dự án bè tre huyền thoại sẽ "trôi" đến bao giờ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn