MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoài Ân, điểm khởi động cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định bị rừng cản bước

Xuân Nhàn LDO | 11/07/2023 14:43

Gói thầu 11, Dự án thành phần Hoài Nhơn – Quy Nhơn, đoạn Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận là “phân khúc” sôi động nhất công trường cao tốc Bắc – Nam qua Bình Định. Hiện nhà thầu đang vò đầu bứt tai vì thiếu mặt bằng, nguyên liệu...

Rừng sản xuất, tự nhiên đều vướng

Thôn Lộc Giang 2, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân. Công trường đào đắp, san ủi bề mặt cao tốc tương lai. Chỉ một đoạn hơn 500m, đơn vị thi công phải thúc thủ 2 lần. Phía bắc, mặt đường đột nhiên “co” lại, né cụm nhà chưa tháo dỡ trong khi phía nam, nó bất thần biến thành… đường cụt, cạnh khu đất rộng rinh mà chủ nhân chưa dàn xếp xong việc chia đền bù!

Thiếu tá Hồ Sĩ Biên - Phó Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5 ngán ngẩm: “Chúng tôi mắc kẹt hơn 1 tháng rồi”. Ông gọi ví dụ trên là “thi công xôi đỗ, nhảy cóc”, tương ứng với tiến độ giải phóng mặt bằng.

Theo Ban điều hành Trường Sơn 5, một số vị trí thi công cần ra đá nhưng vật liệu tận dụng vẫn “bất động” trong những cánh rừng chậm chuyển đổi. Ảnh: Xuân Nhàn.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn “lãnh ấn” khởi động đoạn cao tốc Bắc – Nam qua Bình Định. Gói thầu đơn vị đảm trách dài 23,5km, điểm đầu tại Bồng Sơn (Hoài Nhơn), điểm cuối ở Mỹ Trinh (Phù Mỹ). Phần dài nhất, 19,4km trên đất Hoài Ân, ông Biên mô tả là “cực kỳ khó khăn”.

“Thông tin ban đầu là dự án đi trên tuyến mới, vận chuyển vật tư, vật liệu hoàn toàn thông suốt. Khi bắt tay thi công mới thấy vướng đủ thứ, từ nhà cửa, vật kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật. Lại đi vòng vèo; vừa ảnh hưởng môi trường, hạ tầng dân sinh, còn phát sinh thêm chi phí”, ông Biên cho biết.

Cũng Hoài Ân, một phần hướng tuyến cao tốc thiết kế “đè” lên đường hiện trạng. Thiếu tá Biên tiếp tục: “Theo quy định, phải làm đường hoàn trả trước khi thi công đường chính. Chúng tôi sốt ruột nhưng bó tay vì 2km rừng sản xuất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Đụng… chết ngay, dẫu bây giờ mình cũng đang làm ngược!”. Đấy là chưa kể việc cắm mốc thiếu, phải điều chỉnh bổ sung, gây lúng túng toàn hệ thống.

Hai điểm “đứt gãy” ở Lộc Giang. Ảnh: Xuân Nhàn.

Tỉ lệ mặt bằng được bàn giao theo đại diện nhà thầu thi công là 13/23,5km, con số không trùng khớp thông tin địa phương cung cấp. Khối lượng thi công hiện tại của Trường Sơn là 216/2.900 tỉ đồng, bằng 7,5% giá trị hợp đồng. “Đạt so với tiến độ chủ đầu tư phê duyệt, nhưng thời gian tới, tình thế nan giải hơn nhiều”, ông Biên dự báo.

Căng thẳng nhất, theo phản ánh của nhà thầu là đoạn 3km rừng tự nhiên giáp ranh 2 xã Mỹ Trinh, Ân Tường Đông, từ km18+640 đến km20+970: “Chỉ giải phóng được 55m chiều ngang, tương đương 40%. Vẫn lý do chậm chuyển đổi rừng. Vật liệu, đá tận dụng nằm trong đó cả. Trên công trường, nhiều vị trí cần ra đá mà đành bất lực. Nhà thầu gần như bế tắc về vật liệu, đặc biệt, vật liệu tận dụng, vốn được chỉ định bắt buộc sử dụng trong giai đoạn này”.

Địa phương cũng… rối

Tin từ Sở GTVT Bình Định: Đến ngày 10.7, Hoài Ân đã bàn giao 151,117/163,96ha (92,2%); 18,4/19,4km (94,8%) tuyến chính. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Phong thừa nhận: “Quy mô dự án quá lớn, ảnh hưởng an sinh rất nhiều. Việc tìm kiếm đồng thuận 100% là không đơn giản”.

Về “điểm nghẽn” rừng tự nhiên, ông Phong nói: “Hơn 100m khai thác tận thu, hiện đã có phương án, tháng 7 này sẽ xong”. Riêng 2km rừng sản xuất, “chưa chuyển mục đích sử dụng, thì dứt khoát không được đụng tới. Trách nhiệm trên vai chủ đầu tư”.

Tập trung phương tiện thi công ở vị trí “xôi đỗ“. Ảnh: Xuân Nhàn.

Chính quyền địa phương càng bối rối khi mới đây, mặt bằng dự án lại được điều chỉnh. “Mốc giới trước kia bàn giao cắm chưa đủ, nay bổ sung thêm bề rộng cắt ngang. Hoài Ân vừa tiếp nhận 2 đợt “cọc” mới, ngày 16 và 25.6. Nghĩa là phải làm lại từ đầu: Xuất hồ sơ kỹ thuật, kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù. Chúng tôi chỉ có một bộ máy mà thôi và chừng ấy con người, chừng ấy phương tiện…”, đến lượt ông Phong than thở.

Báo cáo UBND tỉnh ngày 10.7, Sở GTVT Bình Định nhận xét: Chủ đầu tư chậm bàn giao hồ sơ, mốc giới (…) phạm vi chiếm dụng đất rừng tuyến chính phát sinh, làm chậm việc rà soát, tổng hợp, báo cáo Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND chuyển mục đích sử dụng rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn