MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khai thác mỏ đất đắp nền cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: ĐT

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Gỡ khó nguồn vật liệu, tránh nguy cơ vỡ tiến độ

Hà Anh Chiến - Đặng Tiến LDO | 09/06/2021 10:37

Việc khan hiếm nguồn vật liệu như đất, đá để thực hiện đắp mặt bằng đang là yếu tố có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, nhất là tuyến Phan Thiết - Dầu Giây. Để dự án triển khai đúng tiến độ và chất lượng, các nhà thầu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ thi công tại dự án.

Thiếu hụt trầm trọng đất đắp

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã được khởi công vào cuối tháng 9.2020, có chiều dài 99km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 51,3km. Tuy nhiên dự án đang chậm tiến độ do thiếu nguồn nguyên liệu đắp nền đường.

Để giải quyết khó khăn, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành, các địa phương và Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) Thăng Long để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với nhu cầu vật liệu, nhất là nguồn đất đắp phục vụ việc san lấp, thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo chủ đầu tư, thời gian qua các nhà thầu cũng đã chủ động khảo sát, tìm kiếm nguồn đất đắp tại một số vị trí dọc tuyến, chủ yếu vận chuyển bằng đường nội bộ trong tuyến, nhưng nguồn đất đắp này cơ bản thuộc quyền sử dụng của các hộ dân. Trong khi đó, do phần lớn các mỏ đất đắp trên địa bàn Đồng Nai chưa được cấp phép nên nguồn đất đắp phục vụ dự án đang thiếu rất trầm trọng. Điều này gây khó khăn cho các nhà thầu, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ dự án. Do đó, đại diện chủ đầu tư dự án kiến nghị tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các nhà thầu thực hiện các thủ tục cấp phép đối với các mỏ đất theo hướng rút ngắn thời gian để đáp ứng nhu cầu dự án.

Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, đối với đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự án cần khoảng 2,9 triệu mét khối đất nguyên thổ; cát các loại cần khoảng 0,25 triệu mét khối; đá, cấp phối các loại cần khoảng 2,04 triệu mét khối. Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng số 10 mỏ đất đắp (3 mỏ có phép, 7 mỏ chưa có phép) với trữ lượng khoảng 9 triệu mét khối; cát các loại có 3 mỏ có phép với trữ lượng 3,86 triệu mét khối; đá các loại có 6 mỏ (5 mỏ có phép) với trữ lượng hơn 40,6 triệu mét khối.

Trước kiến nghị của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Cao Tiến Dũng - cho rằng, dự án Phan Thiết - Dầu Giây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó tỉnh ưu tiên các giải pháp gỡ vướng đối với nhu cầu vật liệu, nhất là nguồn đất đắp. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết thêm, do các nhà thầu không chủ động thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ đất nên Ban QLDA Thăng Long cần chỉ đạo các nhà thầu gấp rút thực hiện các thủ tục cấp phép để đảm bảo nguồn vật liệu của dự án.

Để giải quyết nhu cầu trước mắt, tránh việc phải ngưng thi công do thiếu nguồn đất đắp, Đồng Nai sẽ giải quyết cho chủ đầu tư một số vị trí khai thác đất theo mục đích cải tạo đất nông nghiệp.

Nhiều dự án cùng thiếu đất đắp nền

Thực tế khó khăn về nguồn vật liệu đặc biệt là đất đắp đường tại các dự án cao tốc Bắc - Nam đã diễn ra nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Mặc dù Bộ GTVT và các địa phương có dự án đi qua đã công bố đầy đủ về đơn giá, chỉ số giá cho các loại vật liệu xây dựng có biến động lớn về giá cả trong thời gian qua để có cơ sở xử lý trong quá trình thực hiện dự án đầu tư cũng như nỗ lực tìm phương án tốt nhất để hoàn chỉnh thủ tục khai thác mỏ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vật liệu đất đắp cho dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đơn vị đang thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) - các khó khăn về đất đắp nền đường đã được 2 đoàn công tác của Quốc hội, Bộ GTVT tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương nơi dự án đi qua để tìm phương án tháo gỡ. Qua đó, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Chính phủ để có thể thực hiện các thủ tục cấp quyền khai thác các mỏ cho dự án.

Ngoài ra, 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai cũng đã phối hợp đưa ra nhiều phương án nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án. Theo ông Huấn, để dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai đúng kế hoạch về tiến độ và chất lượng, Ban QLDA Thăng Long kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ thi công tại dự án, đặc biệt là đất đắp nền đường.

Trong khi đó theo ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó Giám đốc Ban QLDA 7 (đơn vị thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo) - mặc dù gặp khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương, nhưng các nhà thầu vẫn triển khai 53 mũi thi công trên toàn tuyến. Đến nay các nhà thầu cũng đã nạo vét hữu cơ được 91/101km, đạt hơn 90% khối lượng. Đào đắp được 40km nền đường, thi công 15/57 cầu trên tuyến. Tuy nhiên khó khăn nhất của dự án hiện nay vẫn là nguồn vật liệu đất đắp bởi các nhà thầu đã đào bóc hữu cơ sâu xuống từ 30-50cm so với mặt bằng trước đây nhưng đến nay vẫn chưa có đất để đắp nền.

Theo dự tính, toàn bộ dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo cần khoảng 9 triệu khối đất để đắp nền, nhưng trữ lượng khai thác dự tính mới đạt khoảng 3 triệu khối. Như vậy còn thiếu khoảng 6 triệu khối đất đắp cho các gói thầu trên tuyến. Trong khi đó thời tiết miền Nam đang bước vào mùa mưa, tại những vị trí đã đào nền đường, nước đọng lại thành từng vệt sâu.

Ban QLDA 7 phải ra văn bản khuyến cáo các nhà thầu phải có các biện pháp an toàn, biển báo để cảnh báo tại các vị trí đào nền đường, đảm bảo an toàn điện, cháy nổ… Các nhà thầu đã phải dùng bơm để hút nước ra khỏi công trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân gần vùng dự án.

Để giải quyến việc khan hiếm vật liệu đất đắp nền cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó kiến nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác đối với khoáng sản, cho phép UBND các tỉnh có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được áp dụng điểm a, khoản 2, điều 64, Luật Khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã khảo sát, thăm dò, khai thác để cung cấp cho dự án.

Cụ thể là tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng mà thực hiện đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh nơi có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; xem xét ưu tiên cấp cho các nhà thầu đã trúng thầu thi công tuyến cao tốc để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn