MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án tuyến giao thông đô thị Vạn Tường (Quảng Ngãi) thi công dang dở, vì gặp vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ảnh: V.N

Dự án chậm tiến độ, dân khốn khổ, nhà thầu cũng điêu đứng

Viên Nguyễn LDO | 22/07/2022 07:18

Tuyến giao thông chính nối trung tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường, Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư 398 tỉ đồng, khởi công năm 2014, kế hoạch sẽ đưa vào sử dụng năm 2018, tuy nhiên đến nay còn 3km vẫn chưa làm xong, ảnh hưởng  đến cuộc sống của người dân…

8 năm làm chưa xong 3km

Dự án có tổng chiều dài 9,6km, chạy qua 3 xã Bình Trị, Bình Hải, Bình Hòa, huyện Bình Sơn.

Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành 2km đoạn đầu, 4,5km đoạn cuối, còn lại vướng giải phóng mặt bằng ở đoạn giữa khoảng 3km.

Việc thi công rề rà, khiến người dân bức xúc. Bà Bùi Thị Bích Liễu, thôn An Lộc, xã Bình Trị than thở, nhà tôi nằm ngay đường thi công dự án. Nhiều năm nay, tôi thấy đơn vị thi công làm được vài hôm rồi dừng, ít lâu sau lại tiếp tục san ủi, đào bới lên làm lại. 

Dự án thi công kéo dài, chắp vá, khiến việc buôn bán của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bởi quán xá vắng khách, doanh thu sụt giảm. Mùa mưa lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm, khiến người dân và người tham gia giao thông rất khổ sở.

“Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án, chứ để kéo dài từ năm này sang năm khác thì không biết bao giờ mới ổn định lại cuộc sống” - Bà Liễu bức bách nói.

Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ suốt nhiều năm vì công tác đền bù, hỗ trợ di dời gặp khó khăn. Nhiều hộ dân cho rằng mức áp giá đền bù, hỗ trợ của chủ đầu tư quá thấp so với giá thị trường nên họ không chấp thuận, mặc dù trong nhiều năm qua, các cơ quan liên quan rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động giải thích cho người dân hiểu về tầm quan trọng của dự án.

Ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải - cho biết, hiện trên ở xã có nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, khiến việc thi công dang dở. Chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án càng sớm càng tốt, để tạo điều kiện cho người dân đi lại, nhất là vào mùa mưa bão...

Tiếp tục gia hạn

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng (thuộc BQL Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi) cho biết, tổng vốn đầu tư 398 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương trên 207,7 tỉ đồng, còn lại vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác.

Phát sinh vướng mắc là vì giai đoạn 2014-2015, đã phê duyệt phương án bồi thường, nhưng lại chưa bố trí được đất tái định cư (TĐC) cho các hộ dân phải di dời vì dự án, nên nhiều hộ dân mặc dù đã nhận tiền bồi thường, nhưng vì chưa được cấp đất TĐC, nên họ chưa thể tháo dỡ nhà cửa, giao đất cho dự án.

Ngoài ra, từ 2014 đến nay, công tác quản lý trật tự xây dựng của địa phương nằm trong vùng dự án vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều hộ dân còn xây nhà trên đất nông nghiệp. Theo quy định, khi các hộ dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp thì chắc chắn sẽ không được cấp đất TĐC.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên với tình trạng như hiện nay thì đến cuối năm 2022, dự án vẫn chưa hoàn thành được.

Trước những khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận gia hạn dự án được hoàn thành sau năm 2023.

Ông Võ Thanh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn chia sẻ, quá trình triển khai, trải qua nhiều cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng khác nhau của UBND tỉnh Quảng Ngãi, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù, hỗ trợ. Ngoài ra, trên tuyến đường này, người dân mua bán, chuyển nhượng đất rất nhiều, nên quá trình tìm đúng chủ đất, chúng tôi làm có những thiếu sót…

Ông Võ Thanh Tuấn cũng cho biết, hiện còn 8 hộ dân chưa chịu di dời, vì chưa được cấp đất TĐC. Sắp tới, chúng tôi kiến nghị UBND huyện Bình Sơn quan tâm bố trí TĐC cho họ.

Ngoài ra, trước đây một số hộ do mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp với giá cao, nên khi áp giá đền bù theo quy định, họ cho rằng mức đền bù hỗ trợ thấp so với giá thị trường nên không đồng ý bàn giao mặt bằng.

“Với những trường hợp này chúng tôi đang làm hồ sơ trình cấp trên, lên phương án cưỡng chế thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư”- ông Tuấn thẳng thắn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn