MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong những nguyên nhân khiến đường Hùng Vương nối dài chậm tiến độ, là do thiếu đất đắp. Ảnh: Hưng Thơ.

Dự án chậm tiến độ tại Quảng Trị: Nguyên nhân rõ ràng nhưng khó xử lý?

HƯNG THƠ LDO | 28/02/2024 09:48

Rất nhiều dự án ở tỉnh Quảng Trị chậm tiến độ, khiến doanh nghiệp gặp khó vì vấn đề thiếu đất đắp. Thế nhưng, trong thời gian dài, cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được.

Dừng thi công vì không có đất đắp

Dự án đường Hùng Vương kết nối hành lang kinh tế Đông Tây và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) được thực hiện từ năm 2017-2022 với tổng mức đầu tư hơn 120 tỉ đồng. Vốn của dự án này vay ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Khi hoàn thành dự án, con đường sẽ kết nối trung tâm thành phố Đông Hà với huyện Triệu Phong và khu kinh tế, mở ra một hướng phát triển mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 2.2024, giá trị thực hiện dự án chỉ mới đạt 8,3% giá trị hợp đồng.

Ông Võ Phong Luân - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án này chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn về vật liệu đất đắp.

Sau nhiều năm thi công, giá trị thực hiện dự án đường Hùng Vương chỉ mới đạt 8,3% giá trị hợp đồng và hiện dừng thi công. Ảnh: Hưng Thơ.

Theo hồ sơ dự thầu, nhà thầu đề xuất mỏ đất xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong), nhưng nay mỏ đất đã hết hạn cấp phép khai thác, gây khan hiếm làm giá tăng cao, trong khi đó dự thầu nhà thầu bỏ giá 0 đồng.

Theo thiết kế khối lượng đất đắp phải vận chuyển từ mỏ về gói thầu khoảng 82.000m3, nếu mua ngoài với giá thị trường thì nhà thầu thiệt hại rất lớn. Nhà thầu đã có nhiều kiến nghị gửi các cấp của tỉnh, tuy nhiên chưa có phương án giải quyết.

“Giá gói thầu giảm giá sâu khoảng 27%, nên khi bị tác động của giá vật liệu tăng, đặc biệt là giá đất đắp, nhà thầu không thể bù đắp để thi công nên nhà thầu chưa tiếp tục thi công” - ông Võ Phong Luân cho biết.

Dự án sắp kết thúc mới tìm được đất đắp

Tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị ở huyện Hướng Hóa, đường ĐT.586 đi vào các xã vùng Lìa có nhiều cầu tràn đã được thi công từ lâu.

Vào mùa mưa, nước lũ từ sông biên giới Sê Pôn tràn về, gây ngập cầu tràn, chia cắt nhiều xã, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại cũng như vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị có chủ trương làm các cầu vượt lũ.

Cuối tháng 3.2023, sau nhiều cuộc họp nhưng không có hướng tháo gỡ, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị buộc phải có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, thông tin việc đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các cầu vượt lũ trên đường ĐT.586, nhưng chưa thể phê duyệt để triển khai thi công được.

Cầu tràn trên tuyến đường ĐT.586 ngập nước lũ. Dù việc làm cầu vượt lũ là khẩn cấp, nhưng tiến độ chậm vì thiếu đất đắp. Ảnh: Hưng Thơ.

Lý do rất đơn giản, dự án chỉ có nhu cầu sử dụng vật liệu đất đắp khoảng 30.000m3, nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Hướng Hóa (cách trung tâm tỉnh Quảng Trị gần 100km) không có mỏ cung cấp, nếu vận chuyển đất từ các địa bàn khác sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, chưa phù hợp với thực tế và hiệu quả đầu tư.

Để giải quyết vấn đề “30.000m3 đất đắp” này, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức họp với UBND huyện Hướng Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý bảo trì giao thông và Đơn vị tư vấn thiết kế để tìm giải pháp nhưng không giải quyết được vấn đề. Trong lúc, dự án xây dựng các cầu vượt lũ trên tuyến ĐT.586 qua địa bàn huyện Hướng Hóa có thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024, sắp kết thúc dự án.

Phải đến tháng 12.2023, khi có dự án điện gió chuẩn bị thi công ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị mới quyết định lấy đất dư thừa từ dự án điện gió để làm vật liệu san lấp cho các cầu vượt lũ trên tuyến ĐT.586.

Có đất san lấp mới đủ điều kiện phê duyệt để triển khai thi công các cầu vượt lũ, nên hiện các thủ tục của dự án trên vẫn đang được hoàn thiện, khiến việc triển khai dự án chậm tiến độ.

Ở tỉnh Quảng Trị, không chỉ riêng 2 dự án trên, mà nhiều dự án dở khóc, dở cười. Tỉnh này đã quy hoạch nhiều mỏ đất, nhưng quá trình đấu giá có một số bất cập, nên hiện toàn tỉnh chỉ mới có mỏ đất ở huyện Hải Lăng đi vào hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn