MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh Hy Vọng bị ô nhiễm, nhà cửa lấn chiếm thu hẹp dòng chảy. Ảnh: Minh Quân

Dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất lận đận 10 năm vẫn trên giấy

MINH QUÂN LDO | 25/03/2024 19:50

TPHCM - Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) - một trong những hướng thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất được TPHCM lên kế hoạch triển khai từ năm 2013, nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa thực sự được triển khai.

Từ kênh Hy Vọng thành "kênh thất vọng"

Kênh Hy Vọng dài khoảng 1,8km, chảy qua địa bàn phường 15 (quận Tân Bình), đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Nước từ sân bay thoát ra kênh Hy Vọng sẽ đổ về kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Ghi nhận ngày 25.3, đi dọc con kênh Hy Vọng, dòng nước đen ngòm, rác thải kết thành mảng lớn và bốc mùi hôi thối. Ngoài rác thải, con kênh còn bị người dân lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy.

Kênh Hy Vọng đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích bị ô nhiễm, bồi lắng. Ảnh: Minh Quân

Ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi), người dân sống hơn 30 năm tại đường Phan Huy Ích (phường 15) cho biết, một số bộ phận người dân thiếu ý thức thải nước bẩn hay rác ra dòng kênh này gây ra tình trạng ô nhiễm.

“Trời nắng thì kênh bốc mùi hôi, trời mưa cống nghẹt rác làm nước ngập, có khi tràn cả vào nhà" - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nhiều lần nghe chính quyền địa phương thông báo cải tạo lại kênh, ai nấy vui mừng. Nhưng hơn 10 năm qua dự án vẫn chưa triển khai, người dân sống quanh đây hay gọi vui là “kênh tuyệt vọng”.

Dự kiến chi gần 2.000 tỉ đồng cải tạo

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng trước đây là một thành phần của dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (giai đoạn 2) đã được UBND TPHCM đồng ý thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách từ đầu năm 2013.

Đến năm 2014, trong quá trình thực hiện công tác đầu tư dự án, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa hạng mục này vào trong dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM để đầu tư. UBND TPHCM sau đó cũng đồng ý với phương án này.

Trong đó, hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng dài hơn 1,8km với tổng kinh phí 110 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (2016 đến 2021).

Tuy nhiên, năm 2017, WB dừng tài trợ vốn cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM nên dự án cải tạo kênh Hy Vọng phải dừng lại, chờ tìm nguồn vốn khác.

Đến năm 2018, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM kiến nghị UBND TPHCM cải tạo kênh Hy Vọng bằng vốn ngân sách với tổng kinh phí khoảng 150 tỉ đồng. Dù vậy, dự án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và thủ tục đầu tư nên chưa thể triển khai.

Kênh Hy Vọng sẽ được cải tạo từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương. Ảnh: Minh Quân

Cuối năm 2020, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đề xuất chi gần 514 tỉ đồng cải tạo kênh Hy Vọng. Về quy mô, tuyến kênh được làm hở toàn tuyến dài 1,8km, hai bên xây đường rộng 10 m, trồng cây xanh.

Đến tháng 3.2021, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM đề xuất tăng vốn cải tạo kênh Hy Vọng lên hơn 1.980 tỉ đồng do cập nhật phần đền bù, giải phóng mặt bằng. Trước đó, chi phí này ước tính hơn 287 tỉ đồng, nhưng sau khi rà soát đã tăng lên hơn 1.595 tỉ đồng với tổng diện tích cần giải tỏa khoảng 21.200 m2.

Theo đề xuất, kênh Hy Vọng sẽ được cải tạo đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài hơn 1,1km, trong đó chủ yếu làm kênh hở hình chữ nhật. Dọc hai bờ, dự án làm đường rộng 6 m cùng vỉa hè và hệ thống thoát nước; chiếu sáng, lan can...

Tuy nhiên, do TPHCM chưa cân đối được nguồn vốn nên dự án lại một lần nữa bế tắc.

Tháng 9.2021, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ toàn bộ vốn để đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng nhưng không được chấp thuận.

Ngày 25.3, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được UBND TPHCM giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

“Hiện ban đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua trong năm nay. Kênh Hy Vọng sau khi cải tạo ngoài tăng khả năng thoát nước còn góp phần đảm bảo an toàn sân bay và cải thiện môi trường. Hai tuyến đường xây dọc kênh cũng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn” - ông Dũng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn