MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Ảnh: Hữu Chánh

Dự án chống sạt lở trăm tỉ ở TPHCM chậm tiến độ, dân sống trong âu lo

HỮU CHÁNH LDO | 12/06/2023 08:00

TP Hồ Chí Minh - Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa trị giá hàng trăm tỉ đồng triển khai hơn 15 năm nay, nhưng hàng loạt gói thầu đang đình trệ, khiến người dân không khỏi lo âu mỗi khi mùa mưa tới.

Triển khai ì ạch

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), được UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ năm 2003, là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn.

Đến năm 2006, UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, chia thành 4 đoạn chính. Thế nhưng đến nay chỉ có dự án chống sạt lở đoạn 1 kênh Thanh Đa đã hoàn thành. Riêng đoạn 2, 3, 4 với nhiều gói thầu lớn vẫn thi công dang dở, gia tăng nguy cơ sạt lở.

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa là một trong những dự án trọng điểm nhằm chống sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn. Ảnh: Hữu Chánh

Bà Trần Thị Vân (58 tuổi, Phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết, người dân sống tại đây đang mong ngóng ngày hoàn thành dự án, bởi trên thực tế, dự án chống sạt lở đã chậm trễ nhiều năm so với dự kiến ban đầu.

"Đã có nhiều đợt sạt lở trước đây khiến người dân thấp thỏm lo âu. Do đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ dự án để có thể đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chúng tôi mỗi khi mùa mưa tới" - bà Vân nói.

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 4 có máy móc nhưng không có hoạt động thi công. Ảnh: Hữu Chánh
1.009 m thuộc đoạn 2 vẫn chưa thi công dù đã được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ghi nhận của Lao Động, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine) và đoạn 4 (sông Sài Gòn - Khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn), quận Bình Thạnh chỉ có một số ít công nhân và máy đóng cọc nhưng không triển khai thi công.

Còn dọc bờ kênh, nhiều máy móc, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng... nằm ngổn ngang, gỉ sét vì nhiều ngày không hoạt động. Rác thải sinh hoạt cũng bị tập kết tại dọc bờ kênh gây ô nhiễm...

Thiết bị thi công, vật liệu xây dựng... nằm ngổn ngang, gỉ sét. Ảnh: Hữu Chánh
Rác thải ngập ngụa dọc bờ kênh. Ảnh: Hữu Chánh

Yêu cầu chủ đầu tư báo cáo cụ thể

Liên quan đến vấn đề trên, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa có văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2 và đoạn 4), thuộc địa bàn quận Bình Thạnh.

Theo báo cáo của đại diện Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), từ đầu năm 2023 đến nay, nhà thầu thi công không triển khai thi công tất cả các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết.

Sở GTVT cho rằng, các công trình trên nằm tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Việc chậm triển khai thi công hoàn thành công trình đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách cũng như bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các công trình hạ tầng (đường giao thông, cột điện...) trong khu vực.

Đặc biệt, có những vị trí đã được bàn giao mặt bằng từ năm 2020 đến nay nhưng nhà thầu thi công vẫn chưa triển khai thi công, cụ thể là chưa thi công 1.009 m tại công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 và 1.300 m tại đoạn 4. Sở GTVT cho rằng, điều này đã gây ảnh hưởng đến công tác bàn giao mặt bằng tại các vị trí khác của dự án.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhà thầu thi công không triển khai thi công các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết. Ảnh: Hữu Chánh

Bên cạnh đó, theo Quyết định UBND Thành phố, kế hoạch vốn được giao cho công trình Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 là 105 tỉ đồng và đoạn 4 là 140 tỉ đồng. Sở GTVT nhận thấy với tiến độ thi công như hiện nay sẽ không bảo đảm việc giải ngân theo kế hoạch vốn được giao.

Nhằm bảo đảm mục tiêu phòng, chống sạt lở cấp bách, Sở GTVT đề nghị Ban Giao thông khẩn trương báo cáo cụ thể tình hình thi công công trình từ lúc khởi công đến thời điểm hiện nay.

Trong đó, tập trung vào: Tiến độ giải phóng mặt bằng; Công tác thi công, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát.

Lối vào công trường được chắn lại bởi hàng rào tôn. Ảnh: Hữu Chánh

Chủ đầu tư cần báo cáo nguyên nhân chậm tiến độ thi công; phân định rõ trách nhiệm của các bên quan, đề xuất biện pháp xử lý đối với việc chậm tiến độ hoặc vi phạm có liên điều khoản của hợp đồng xây dựng đã ký kết và theo quy định của pháp luật.

Ban Giao thông cần đề xuất giải pháp triển khai thi công. Trong đó nêu rõ mốc thời gian thi công hoàn thành các hạng mục công trình, bảo đảm đúng theo tiến độ giải ngân của năm 2023...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn