MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà của anh Nùng Sẹo Mây nằm treo leo trên đỉnh đồi và thường xuyên bị đất đá sạt lở mỗi khi mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Tùng

Dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng nguy cơ sạt lở, cần nhanh mà lại chậm

Văn Tùng LDO | 20/09/2023 06:56

Ðược chuyển đến nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống là mong muốn của các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống của tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, cả 4 dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm đều chậm tiến độ.

Gia đình anh Nùng Sèo Mây ở thôn Ngòi Cái (xã Tiến Bộ, Yên Sơn, Tuyên Quang) thuộc diện di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở. Căn nhà của anh Mây đã xuống cấp do ảnh hưởng của trận mưa lũ cuối năm 2022 và hiện đang được chính quyền địa phương bố trí chỗ ở tạm tại điểm trường tiểu học. Cả gia đình mong ngóng từng ngày được chuyển đến nơi ở mới dựng nhà, ổn định cuộc sống.

"Khu tái định cư chỉ cách đây hơn 1km nhưng mấy năm nay chưa làm xong mặt bằng, hạ tầng giao thông, đường, điện, nước cũng chưa có nên gia đình tôi chưa được giao đất để dựng nhà" - anh Mây cho hay.

Anh Mây là 1 trong số 53 hộ dân của thôn Ngòi Cái nằm trong Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất của huyện Yên Sơn. Dự án này đã được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt từ năm 2016, thực hiện từ tháng 7.2020 với thời gian thi công là 660 ngày. Tuy nhiên đến nay, dự án đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm.

Đầu tháng 9.2023, các hạng mục hạ tầng khu tái định cư như san nền, đường giao thông nội bộ, kè đá chắn mái ta-luy vẫn đang thi công dở dang. Một số hộ đã được chuyển về thì lại nơm nớp lo bởi ta-luy sau nhà nhiều chỗ cao tới 31m với nhiều vết nứt sâu, khe kẽ rỉ nước nguy cơ sạt lở cao mà không được cắt tầng, kè đá bảo đảm an toàn.

Trao đổi với PV, ông Ngô Tiến Dũng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tiến Bộ - cho biết, dự án đang chậm tiến độ, nguyên nhân một phần do phải điều chỉnh và bổ sung một số hạng mục.

Bên cạnh đó, việc nhà thầu chưa thực sự quyết liệt trong thi công cũng khiến hạ tầng khu tái định cư còn dang dở.

"Hàng chục hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở ở thôn Ngòi Cái mong ngóng từng ngày được về nơi ở mới. Những ngày có dự báo mưa to, bão lớn, chính quyền xã lại phải vận động bà con đi trú nhờ người thân nơi khác để bảo đảm an toàn" - ông Dũng chia sẻ.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 4 dự án thuộc nhóm di chuyển dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng thiên tai nguy hiểm tại các huyện Yên Sơn, Na Hang và TP Tuyên Quang nhưng đều đang bị chậm tiến độ nhiều năm.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đối với những hộ gia đình nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm phát sinh sau mỗi đợt thiên tai nên chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ kịp thời. Do vậy, đến nay mới chỉ di chuyển được 17/130 hộ gia đình, đạt 13% kế hoạch.

Nguyên nhân là do nguồn vốn của tỉnh hạn hẹp chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương. Tiếp đến, đa số các hộ nằm trong diện di dời là hộ nghèo chưa có kinh phí để tự di chuyển. Một số địa phương khó khăn về bố trí quỹ đất tái định cư và cả phong tục tập quán của đồng bào, nhiều hộ phải đợi được tuổi mới làm nhà gây khó khăn cho công tác di dời.

Ðể khắc phục việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn giai đoạn 2023- 2030. Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các huyện ứng trước kinh phí để hỗ trợ cho người dân trong thời gian chờ nguồn kinh phí của Trung ương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn