MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu điện đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được vận hành thử toàn tuyến. Ảnh LDO

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 43 chuyên gia Trung Quốc được nhập cảnh

Vương Trần LDO | 05/03/2020 18:29
43 chuyên gia Trung Quốc tham gia Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được nhập cảnh vào Việt Nam nhưng phải kiểm dịch y tế và cách ly theo quy định để phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 5.3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã đồng ý để 43 chuyên gia Trung Quốc tham gia Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông được nhập cảnh vào Việt Nam. Nhưng, những chuyên gia này phải được kiểm dịch y tế và được cách ly tại khách sạn theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội.

 Khách sạn thực hiện cách ly phải ngoài khu vực đông dân cư và phải được thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt, không để người phải cách ly đi ra ngoài.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, đến thời điểm này dự án chưa được đưa vào khai thác do vẫn đang hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành xử lý một số hạng mục thiết bị trước khi bàn giao. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện mới có 4 cán bộ chủ chốt của dự án được cấp visa quay lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết và đang thực hiện cách ly trước khi quay lại làm việc.

Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế hỗ trợ chỉ đạo giải quyết cho các nhân sự của dự án sớm quay lại Việt Nam, đưa dự án vào chạy thử trong thời gian tới.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10.2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn