MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoạn cuối tuyến của dự án còn vướng khoảng 320m, 11 hộ dân nhưng 7 năm qua vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hoàng Bin

Dự án giao thông 8 lần gia hạn vẫn không giải phóng được mặt bằng

Hoàng Bin LDO | 14/11/2023 06:38

Sau 7 năm với 8 lần gia hạn tiến độ đầu tư, dự án đường trục chính nối từ cầu Bình Dương, huyện Thăng Bình đến đường ven biển 129 (giai đoạn 1) vẫn chưa giải phóng được mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu kết thúc dự án, giao lại cho địa phương.

7 năm không giải phóng được mặt bằng

Dự án đường nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển 129 (giai đoạn 1) có chiều dài 4,35km, tổng mức đầu tư gần 79 tỉ đồng đi qua địa bàn huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được triển khai để phục vụ nhu cầu giao thông kết nối với Quốc lộ 1A và thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực. Dự án thực hiện từ năm 2016, qua 8 lần gia hạn tiến độ đầu tư, nhưng vẫn chưa thể hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ghi nhận thực tế của Báo Lao Động, nhiều ngôi nhà cấp 4 nằm trong khu vực quy hoạch dự án đã xuống cấp, xập xệ, tường cũ bong tróc, đường sá chật hẹp.

Ông Nguyễn Thanh Hai, (66 tuổi, trú thôn Duy Hòa, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) cho biết, chính quyền thông báo gia đình ông có 600m2 đất thổ cư nằm trong vùng dự án, phải thu hồi. Tuy nhiên, đã 7 năm qua, dự án vẫn “án binh bất động”. “Người dân địa phương rất vui mừng và ủng hộ dự án, nhưng nhiều năm trôi qua, dự án “treo” không thực hiện, trong khi nhà cửa xuống cấp, con cái lớn lên không được cắt đất, sửa nhà, khiến gia đình rất lo lắng” - ông Hai nói.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình giao thông Quảng Nam (chủ đầu tư), đến nay, mới chỉ 2,65km được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Đoạn bổ sung dài 1,7km, còn vướng khoảng 320m cuối tuyến, chưa thi công do vướng mặt bằng của 11 hộ dân.

Hiện trạng nhà dân khu vực dự án tại Quảng Nam đã hư hỏng nặng nhưng không được xây mới, sửa chữa do vướng quy hoạch. Ảnh: Hoàng Bin

Bàn giao lại cho địa phương tiếp tục thực hiện

Ngôi nhà của anh Lê Thanh Minh (45 tuổi) nằm trong đoạn cuối tuyến còn vướng, xây dựng từ hơn 30 năm trước, đã xuống cấp trầm trọng, mưa dột gió lùa, sau nhiều lần che chắn tạm bợ, nay có nguy cơ đổ sập khi mưa bão kéo đến. “Sau

nhiều lần làm đơn xin sửa chữa, xây mới nhưng chính quyền không phản hồi. Trong tình hình cấp thiết, tôi đã xây ngôi nhà mới bên cạnh để chăm sóc mẹ già 89 tuổi. Còn gia đình người chị gái phải đi thuê trọ ở, vì không được tách thửa đất để xây nhà” - anh Minh chia sẻ.

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - cho biết, vì nằm trong khu vực dự án, nên theo quy định, người dân không được phép sửa chữa, xây mới. Đối với trường hợp nhà anh Lê Thanh Minh, chính quyền sẽ tìm hướng giải quyết thuận tình, để hài hòa quyền lợi của người dân và quy định chung.

Cuối tháng 8.2023, tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương kết thúc dự án, bàn giao lại cho huyện Thăng Bình tiếp nhận, tiếp tục thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Tuy nhiên, với nguồn lực của huyện rất khó để đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án.

Báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng cho biết, trước mắt sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời, tính toán lại giá cả bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Tuy nhiên, hiện tại nguồn lực địa phương hạn chế sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn tất toàn bộ dự án như yêu cầu của UBND tỉnh. Địa phương sẽ lại trình “xin” kinh phí đầu tư từ ngân sách cấp tỉnh để đầu tư tuyến đường.

Đáng bàn là dự án này do các cơ quan cấp tỉnh làm chủ đầu tư nhưng kéo dài đến 7 năm, gia hạn đến 8 lần vẫn không xong, nay tỉnh Quảng Nam lại giao về cho huyện Thăng Bình thực hiện. Trong khi trước đó, địa phương này đã không thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và tái định cư, nguồn lực lại hạn chế. Có thể thấy, tương lai dự án tiếp tục ngổn ngang, dang dở là khó tránh khỏi.

“Nếu không thể thực hiện, hoàn thành sớm dự án thì người dân mong muốn chính quyền kết thúc dự án, cho phép người dân xây, sửa nhà, tách thửa đất cho con cái, để ổn định an cư, lạc nghiệp” - ông Nguyễn Thanh Hai - người dân vùng dự án mong mỏi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn