MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu tư dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối Sa Pa. Ảnh: VGP

Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên dự kiến chiếm dụng 71,97 ha đất

Nguyễn Hà LDO | 19/01/2024 09:40

Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dự kiến chiếm dụng 71,97ha đất các loại, trong đó diện tích phần ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Hoàng Liên dự kiến khoảng 8,75ha.

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 71,97 ha; chiều dài Dự án khoảng 8,8km (trong đó 2,5km là tuyến hầm) với 4,65km thuộc địa phận tỉnh Lai Châu và 4,15km thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

Báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố nhạy cảm về môi trường có liên quan đến Dự án bao gồm:

- Chuyển đổi đất rừng: Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên khoảng 5,07ha thuộc địa phận tỉnh Lai Châu; đất rừng đặc dụng khoảng 8,75ha thuộc địa phận tỉnh Lào Cai.

- Khu bảo tồn thiên nhiên: Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 32,88ha (đất rừng, rừng đặc dụng) thuộc Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (lý trình Km6+167-Km6+617).

Về hạng mục công trình và hoạt động kèm theo các tác động xấu đến môi trường:

- Dự án chiếm dụng diện tích đất khoảng 71,97ha, trong đó phía tỉnh Lai Châu (34,94ha) gồm: đất đồi núi chưa sử dụng 7,56ha; đất giao thông 0,36ha; đấ khoanh nuôi phục vụ rừng phòng hộ 21,95ha; đất rừng tự nhiên 5,07ha. Phía tỉnh Lào Cai (37,03ha) gồm: đất ở đô thị 0,05ha; đất giao thông, thuỷ lợi 0,73ha; đất sản xuất kinh doanh 5,59ha; đất phi nông nghiệp khác 0,77ha; đất trồng cây hằng năm khác 16,83ha; đất trồng cây lâu năm 0,69ha; đất rừng sản xuất 3,6ha; đất rừng đặc dụng 8,75ha.

- Diện tích đất rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 17,42ha (trong đó diện tích rừng tự nhiên 5,07ha thuộc địa phận tỉnh Lai Châu; rừng sản xuất 3,6ha và rừng đặc dụng khoảng 8,75ha thuộc địa phận tỉnh Lào Cai) sẽ làm giảm diện tích rừng tự nhiên và rừng đặc dụng của 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.

Theo báo cáo ĐTM, dự án sẽ xây dựng trong khoảng 4 năm, giai đoạn thi công là thời điểm gây tác động mạnh đến hệ sinh thái do tính đột ngột, khối lượng thi công lớn, phạm vi tác động rộng. Làm biến đổi lớp phủ thực vật tự nhiên là các loại thảm thực vật thấp, các lùm cây bụi xung quanh các vị trí thi công bị phá huỷ. Một nguy cơ nữa đó là nguy cơ về sự di chuyển và di cư của một số loài động vật đi từ vùng này qua các vùng đệm khác là khá lớn..

ĐTM cũng chỉ ra rằng, một số đoạn tiến hành hạ nền đường với địa chất đá cứng chắc (đá cấp 2, cấp 3) phải dùng mìn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các thảm thực vật rừng, các loại thực vật nhỏ và một số loài động vật hoang dã không quen với tiếng ồn và độ rung ở cường độ cao, gây ra những xáo trộn nhất định cho hệ động vật hiện có của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Mục tiêu tổng thể của dự án là tạo ra một tuyến đường tránh đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) với huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu). Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, tỉnh Lai Châu và khu vực Tây Bắc. Góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng lân cận dọc tuyến, đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết số 20/NQ-CP, ngày 17.8.2018 của Chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn