MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chính quyền bỏ tiền ngân sách ra xây dựng khu tái định cư, rồi bỏ không vì nhà đầu tư chưa thống nhất, chuyển tiền để đền bù cho người dân. Ảnh: Hưng Thơ

Dự án “khủng” bất động, người dân và chính quyền lĩnh đủ

HƯNG THƠ LDO | 24/05/2022 12:30

Sau khi 2 dự án có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng khởi công, tỉnh Quảng Trị đã bỏ ra kinh phí để xây dựng 2 khu tái định cư. Tuy nhiên, cả 2 dự án đều rơi vào tình trạng bất động, nên chưa có kinh phí để đền bù, đưa người dân vào khu tái định cư. Trong lúc đó, hàng trăm hộ dân lại sống mòn trên diện tích đất đã quy hoạch.

Sau khởi công, là bất động

Vào cuối tháng 2.2020, tại bãi cát trắng ở xã Hải An (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) diễn ra lễ khởi công xây dựng dự án khu bến cảng Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 14,2 nghìn tỉ đồng. Dự án này do Công ty CP liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư, có quy mô 685ha, bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.

Ở giai đoạn 1, từ năm 2018-2025 sẽ đầu tư 4 bến, với tổng vốn đầu tư 4,9 nghìn tỉ đồng.

Bây giờ, tại vị trí diễn ra lễ khởi công rầm rộ hơn 2 năm trước, vẫn là bãi cát trắng. Sau lễ khởi công, người dân ở đây không thấy nhà đầu tư lui tới triển khai bất kỳ công việc gì.

Cách dự án nghìn tỉ đang bất động nói trên không xa, là dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị.

Cuối năm 2019, cũng trên một bãi cát trắng, đã tổ chức lễ khởi công xây dựng hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị công suất 1.200MW do Công ty điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư hơn 55 tỉ đồng, dự án này có tổng vốn đầu tư lớn nhất ở Quảng Trị vào thời điểm đó. Nhưng tương tự dự án khu bến cảng Mỹ Thủy, sau khởi công cho đến nay, nhà đầu tư mất hút.

Theo ông Phạm Ngọc Minh - Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Quảng Trị, 2 dự án nói trên nằm trong số 11 dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã được cấp chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, cả 2 dự án đã bị chậm tiến độ so với cam kết. Dù chậm tiến độ, nhưng tỉnh Quảng Trị cũng chưa đưa ra được phương án nào khác, ngoài việc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư và gia hạn thêm thời gian để thực hiện dự án.

Đi không được, ở không xong

Tìm hiểu cho thấy, 2 dự án động lực chậm tiến độ nói trên không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị, mà còn khiến người dân và chính quyền đau đầu trong khâu tái định cư.

Gia đình ông Lê Khắc Cường (61 tuổi, trú tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án khu bến cảng Mỹ Thủy nên buộc phải di dời. Bao thế hệ sinh ra, lớn lên ở trên đất này, bây giờ phải nhường đất cho dự án, ông Cường bộn bề suy nghĩ. Rồi ông cũng phải làm tư tưởng cho cả nhà, thống nhất đi vào khu tái định cư. Nhưng đợi mãi, đến nay vẫn chưa thấy chủ trương di dời.

“Gia đình tôi ở sát biển, năm nào cũng hứng chịu vài ba trận mưa bão. Bây giờ nhà nằm trong vùng dự án, không được xây dựng, cơi nới, gia cố nhà cửa thì rất nguy hiểm. Giờ đi không được, mà ở lại cũng không xong, tại sao chúng tôi phải chịu đựng cảnh này?” - ông Cường đặt câu hỏi.

Không chỉ riêng ông Cường, không chỉ riêng 54 hộ dân ở xã Hải An, mà 206 hộ dân ở xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) nằm trong diện phải di dời tái định cư vì ảnh hưởng của dự án khu bến cảng Mỹ Thủy và nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị cũng chung câu hỏi nói trên.

Không phải đến bây giờ, mà khi có chủ trương đầu tư của các dự án trên, tỉnh Quảng Trị đã bỏ ngân sách đầu tư xây dựng các khu tái định cư Hải Khê và khu tái định cư ở xã Hải An để phục vụ cho việc di dời người dân, tạo quỹ đất sạch cho dự án.

Đến thời điểm này, 2 khu tái định cư nói trên đã được hoàn thiện các hạng mục trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban, điện, đường...

Ông Cáp Xuân Tá - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - cho hay, hạ tầng ở các khu tái định cư hiện đã hoàn thiện rồi, nhưng chưa có kinh phí để đền bù, hỗ trợ cho người dân.

“Chúng tôi phải đợi nhà đầu tư thống nhất, chuyển tiền thì mới chi trả đền bù cho người dân được” - ông Cáp Xuân Tá, nói.

Trong lúc các khu tái định cư xây dựng xong để không lãng phí, thì người dân lại phải sống “mòn” trong những ngôi nhà không được cơi nới và xây dựng vì dự án “treo”.

Nếu UBND tỉnh Quảng Trị không có những động thái dứt điểm, buộc nhà đầu tư đưa ra những cam kết rõ ràng, thì 2 dự án lớn động lực trì trệ này sẽ là lực cản cho sự phát triển, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn