MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam vẫn dở dang sau 13 năm

Hoàng Bin LDO | 11/06/2024 17:00

Dù được gia hạn đến 3 lần nhưng dự án “Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam” vẫn không thể hoàn thành sau 13 năm được duyệt khoản vay và phải kết thúc trong dang dở.

Tạm dừng dự án sau 13 năm

Cách đây hơn 13 năm, dự án “Nâng cao năng lực ngành y tế Quảng Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (ngày 9.12.2010), với tổng mức đầu tư dự án hơn 107,1 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Italia hơn 3 triệu euro, vốn đối ứng của địa phương hơn 26,2 tỉ đồng).

Nhiều cơ sở y tế ở Quảng Nam chưa được trang bị thiết bị y tế mới do dự án đã hết hạn. Ảnh Nguyễn Hoàng

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hệ thống y tế Quảng Nam từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống...

Thế nhưng, trải qua đến 3 lần điều chỉnh, bổ sung, dự án mới chỉ hoàn thành phần xây lắp ở một số công trình xây mới, cải tạo hạng mục xuống cấp của các trạm y tế tuyến xã trên địa bàn Hiệp Đức và Nông Sơn.

Còn hợp phần mua sắm trang thiết bị hơn 2,25 triệu euro vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, thực hiện mua sắm, lắp đặt trang thiết bị.

Khu điều trị kỹ thuật cao ở BVĐK Quảng Nam xây xong phần thô nhưng nằm chờ thiết bị gần 1 năm nay. Ảnh Nguyễn Hoàng

Đơn cử như dự án Khu điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam (có tổng mức đầu tư hơn 165,8 tỉ đồng), dù hoàn thiện phần xây lắp từ tháng 7.2023, nhưng đến nay vẫn trống trơn thiết bị, không thể hoạt động.

Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan

Ngoài việc đã hết thời hạn thực hiện dự án (hết năm 2023) thì theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KHĐT Quảng Nam, nhiều trang thiết bị hiện nay không còn sản xuất hoặc cấu hình, tiêu chuẩn đã thay đổi, không có tên trên thị trường để xác định giá.

Theo yêu cầu của nhà tài trợ, hợp phần mua sắm trang thiết bị y tế phải tổ chức đấu thầu quốc tế, 25% thiết bị phải có xuất xứ từ Italia, nên việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, dường như không thể. Dự án không khả thi để tiếp tục thực hiện.

Không thể tiếp tục triển khai thực hiện theo dự án được duyệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thống nhất cắt giảm hợp phần mua sắm trang thiết bị y tế và kết thúc dự án.

Hợp phần trang thiết bị y tế đầu tư cho Trung tâm Y tế Hiệp Đức đã hết thời gian thực hiện dự án. Ảnh Nguyễn Hoàng

Quảng Nam sẽ đầu tư phần trang thiết bị y tế bị cắt giảm bằng dự án đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước để kịp thời phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các đơn vị thụ hưởng.

Phía Bộ Tài chính đã thống nhất kết thúc dự án, sử dụng vốn đầu tư công của địa phương để hoàn thành các hạng mục còn lại. Đồng thời cho rằng, việc cắt giảm hạng mục mua sắm trang thiết bị và kết thúc dự án như đề nghị của Quảng Nam, đồng nghĩa với việc dự án không đạt được mục tiêu cấp có thẩm quyền phê duyệt (đã sử dụng vốn ODA để xây dựng trạm y tế song không có trang thiết bị).

Tỉnh Quảng Nam phải phân tích kết quả, nguyên nhân, trách nhiệm của địa phương, chủ dự án trong việc phải kết thúc dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn