MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cống Mương Chuối - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng Ảnh: Minh Quân

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng "đứng hình" gần 4 năm ngay trước vạch đích

MINH QUÂN LDO | 21/04/2024 17:47

TPHCM - Hoàn thành hơn 93% khối lượng, nhưng dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng tạm dừng gần 4 năm qua. Hiện, công trình đang vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành dự án.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện thành phố còn 5 tuyến đường trục chính ngập do triều, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Tình trạng ngập ở các tuyến này chỉ được xử lý căn cơ khi hoàn thành và đưa vào vận hành dự án “Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng vốn khoảng 10.000 tỉ đồng.

Dự án ngăn triều nói trên do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Công trình đi qua Quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với 6 cống ngăn triều lớn, rộng 40-160m, gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Dự án cũng làm tuyến đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, dài 7,8km.

Khởi công giữa năm 2016, quá trình thi công dự án đã tạm dừng 3 lần. Trong đó, lần 1 tạm dừng 10 tháng, lần 2 là 8 tháng và lần 3 tạm dừng từ ngày 15.11.2020 đến nay.

Trong báo cáo về tiến độ và các khó khăn, vướng mắc của dự án vừa gửi UBND TPHCM, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, công trình đã thi công hoàn thành đạt 93,33% tổng khối lượng.

Hiện nay, dự án còn vướng lập phương án thanh toán cho nhà đầu tư và phương án huy động nguồn vốn cho nhà đầu tư vay để tiếp tục thi công hoàn thành.

UBND TPHCM đã có thông báo giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, các thành viên tổ công tác của UBND TPHCM rà soát cơ sở pháp lý, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết 40 để đề xuất tham mưu UBND Thành phố trình Chính phủ nghị quyết thay thế, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Trước đó, ngày 1.4.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 về việc tiếp tục triển khai dự án này. Trên cơ sở đó, UBND TPHCM đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV để tháo gỡ việc tái cấp vốn và giải ngân cho dự án.

Dù vậy, cũng phải kéo tới tháng 1.2023, phụ lục hợp đồng mới được ký kết. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục vướng với thủ tục giải ngân theo yêu cầu từ ngân hàng.

Tháng 8.2023, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, để gỡ vướng cho dự án.

Thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhiều lần thúc giục, UBND TPHCM cũng liên tục có văn bản chỉ đạo, tổ chức họp với các sở, ban, ngành, song đến nay, dự án vẫn chưa khởi động lại.

Cống Phú Xuân - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án. Ảnh: Minh Quân

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, đến nay, khối lượng giải ngân dự án đạt 8.276 tỉ đồng, nguồn vốn còn lại cần huy động để hoàn thành công trình là 1.800 tỉ đồng.

UBND TPHCM đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) và các sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình ủy thác cho HFIC để cho nhà đầu tư vay vốn thi công phần còn lại để sớm đưa dự án vào khai thác.

Theo phương án này, sau khi công trình được nghiệm thu, TPHCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. Từ đó, nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả ngân sách TPHCM đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.

Nhà đầu tư cho biết, hiện mỗi ngày dự án phát sinh lãi vay 1,7 tỉ đồng. Nhà đầu tư đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi đến Thành ủy, UBND TPHCM để có chỉ đạo sớm triển khai các công việc thuộc thẩm quyền UBND TPHCM.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng có văn bản gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiến nghị quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo cho dự án sớm thi công trở lại, hoàn thành đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thiệt hại phát sinh lãi vay rất lớn mỗi ngày như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn