MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án PPP cao tốc Bắc-Nam đang khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Ảnh: GT

Dự án PPP nguy cơ phải chuyển đổi hình thức đầu tư, chậm tiến độ

Minh Hạnh LDO | 28/11/2021 12:18

Hiện các ngân hàng thương mại thắt chặt tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn nên các dự án cao tốc Bắc - Nam được huy động theo hình thức PPP đang gặp nhiều khó khăn về vốn tín dụng. Nếu không thu xếp đủ vốn, dự án PPP sẽ phải chuyển đổi hình thức đầu tư và dẫn đến kéo dài, chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, gây cản trở phát triển kinh tế xã hội.

Thiếu vốn sẽ chậm tiến độ

Theo Bộ GTVT, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có 3 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Cụ thể, từ tháng 5.2021 - 7.2021, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với các nhà đầu tư của 3 dự án. Theo quy định của hợp đồng, các nhà đầu tư có thời gian 6 tháng để thu xếp vốn. Đến thời điểm này, một số dự án sắp đến hết hạn 6 tháng nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng GTVT - ông Nguyễn Văn Thể - cho biết, các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000/9.300 tỉ đồng. Do đó, Bộ GTVT đang rất tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng. Bản thân các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn cho các dự án PPP hạ tầng giao thông. Bởi có tới 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 đầu tư theo hình thức PPP thì phải chuyển đổi 5 dự án sang đầu tư công do đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Cá biệt như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sau khi chuyển từ PPP sang đầu tư công phải đến tháng 7.2021 mới có thể khởi công gói thầu đầu tiên, chậm hơn các dự án đầu tư công khoảng 2 năm.

Theo ông Thể, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư, ngân hàng và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để sớm thu xếp vốn tín dụng cho 3 dự án này, cố gắng hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội.

Để tránh lặp lại kịch bản này, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT ban đầu đề xuất Chính phủ triển khai đầu tư khoảng 729km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Trong số này, chỉ có 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức PPP. Tuy nhiên trong tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chính phủ trình Quốc hội giữa tháng 11, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng toàn bộ 12 dự án thành phần nói trên theo hình thức đầu tư công.

Cần đa dạng nguồn vốn đầu tư

Đại diện Bộ KHĐT, ông Nguyễn Đăng Trương - Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng - cho biết, đa số các nhà đầu tư PPP hiện nay là các nhà thầu nên năng lực còn hạn chế, đầu tư vài dự án có thể hết năng lực tài chính dẫn tới khả năng huy động vốn gặp khó khăn.

Hiện vốn huy động của các nhà đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng của các ngân hàng thương mại, chưa khơi thông được vốn tín dụng quốc tế dẫn tới chi phí lãi vay cao.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Trương, trong Luật PPP đã mở ra cơ chế mới cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ, thông qua các kênh khác để đa dạng nguồn vốn huy động. Đầu tư dự án bằng hình thức PPP đắt hơn so với đầu tư công do phải chịu thêm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng. Tuy nhiên, hình thức này cũng có những lợi thế riêng, bởi sẽ phát huy được thế mạnh của tư nhân với tư duy phải làm nhanh, xây phải tốt và tính tổng vòng đời của cả dự án hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cho rằng, hiện các nước áp dụng nhiều phương thức để phát triển hệ thống cao tốc, trong đó Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo, vốn ngân sách là vốn mồi để kêu gọi nguồn vốn từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, các dự án khó thu hút vốn tư nhân, thời gian thu phí lên tới vài chục năm, rõ ràng là không hiệu quả đầu tư bằng PPP thì Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách để làm. Nhà nước phải chiếm đầu tư chính đối với các khâu quan trọng nhất, cốt yếu nhất và các phần không có khả năng thu hồi như giải phóng mặt bằng, các dự án khó khăn, công trình kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng. Do đó, cần thiết phải huy động vốn xã hội hóa nhằm phát huy thế mạnh của tư nhân, nếu chỉ trông chờ vốn ngân sách, chắc chắn không thể hoàn thành các kế hoạch đặt ra nên phải đẩy mạnh thu hút, kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư.

Đồng thời, Nhà nước cần phải có các cam kết rõ ràng với nhà đầu tư, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân.

“Khi đầu tư theo hình thức PPP cần phải đa dạng hóa nguồn vốn huy động chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại như hiện nay. Chúng ta nên nghiên cứu cho doanh nghiệp tham gia vào các dự án PPP được phát hành trái phiếu, có giải pháp huy động vốn từ các quỹ đầu tư tài chính với lãi suất 6-7%/năm và kéo dài trong 10-20 năm thì hoàn toàn có thể huy động” -  ông Cường cho hay.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) - cho hay, tất cả các bên đang làm quyết liệt, Bộ GTVT cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc làm việc giữa nhà đầu tư và các ngân hàng. Hiện các nhà đầu tư BOT giao thông đang khẩn trương làm việc với ngân hàng để cung cấp các gói tín dụng và hiện các ngân hàng đang triển khai các thủ tục về thẩm tra, thẩm định và cam kết sẽ triển khai.

Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay cũng rất khó khăn, nếu nhà đầu tư và ngân hàng không triển khai được các gói tín dụng thì Bộ GTVT sẽ xử lý theo quy định của hợp đồng và pháp luật. Tuy nhiên, ngoài các tổ chức tín dụng thì cũng cho phép nhà đầu tư có thể huy động các nguồn vốn hợp pháp của mình. Đ.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn