MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện uỷ Ea Kar (Đắk Lắk) tổ chức buổi họp "Đón tiếp 230 hộ dân xã Cư San (huyện M'Đrắk) về Khu tái định cư số 1 (xã ELang)". Ảnh: Bảo Trung

Dự án thuỷ lợi nghìn tỉ đồng ở Tây Nguyên: Di dân trong cảnh “nước đến chân mới nhảy”

BẢO TRUNG LDO | 12/03/2021 08:11

Tại hồ chứa nước Krông Pách thượng - dự án thuỷ lợi hàng nghìn tỉ đồng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng đang chậm tiến độ ở Đắk Lắk, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư dự án đang gấp rút triển khai (đợt 1) đưa dân lòng hồ đến khu tái định cư mới. Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng việc di dân, nhà tái định cư của các đơn vị liên quan đang gặp nhiều trở ngại, khó đạt được kế hoạch...

"Liệu cơm gắp mắm"

Theo kế hoạch, ngày 12.3 tới, Ban BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT Đắk Lắk (Ban A), Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8) sẽ phối hợp với UBND 2 huyện Ea Kar, M'Đrắk tiến hành đưa trước hơn chục hộ dân vùng lòng hồ Kông Pách thượng (xã Cư San, huyện M'Đrắk) đến khu tái định cư số 1.

Được biết, tối 9.3, Ban A đã cử người về vùng lòng hồ đối thoại, vận động người dân di chuyển về khu tái định cư số 1, mục đích giải thích thêm vướng mắt cho những hộ dân đã nhận đất ở thôn 9.

Buổi đối thoại kết thúc lúc 22h đêm cùng ngày. Tối ngày (10.3), Ban A sẽ tiếp tục cử người về khu vực trên để đối thoại với bà con ở thôn 10.

Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk: Tổng số có 729 hộ/3.320 nhân khẩu còn lại trong lòng hồ ở các thôn 9, 10 và 11 xã Cư San (huyện M'Đrắk) phải di dời, tái định cư.

Tổng cộng có khoảng 600 căn nhà phải tháo dỡ, di dời về huyện Ea Kar. Trong đó, có 300 hộ dân sẽ được di dân về Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang) trên diện tích hơn 680ha. Khu tái định cư số 2 tại tiểu khu 689 (xã Cư Bông) sẽ có khoảng 500 hộ dân di dời về sinh sống.

Theo ông Nguyễn Đình Thìn - Phó Giám đốc Ban A: Trong khi chờ xây dựng, tính toán kinh phí cấp về thì đơn vị vẫn sẽ tổ chức di dân để đảm bảo kế hoạch đề ra. Trước mắt, Ban 8 sẽ chịu phần phương tiện di chuyển còn Ban A sẽ thu xếp, xây dựng phương án kinh phí triển khai.

Ông Y Nhuận Bya - Bí thư Huyện uỷ Ea Kar - nhấn mạnh: "Phải lo cho dân đến nơi tái định cư trước, thủ tục giấy tờ (không quan trọng) có thể lo liệu xử lý sau nhưng phải tạo điều kiện tối đa cho bà con. Đợt đầu tiên này phải triển khai đồng bộ, cẩn thận để tạo ấn tượng, niềm tin cho người dân vì còn rất nhiều đợt triển khai khác nữa. Nếu cần địa phương sẽ ứng trước kinh phí triển khai trước khi đợi chờ tiền ngân sách cấp về".

Trong sáng 10.3, Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban A - bày tỏ: "Được bao nhiêu hộ đồng ý chúng tôi cũng sẽ đưa bà con đến khu tái định cư, nhưng càng nhiều càng tốt. Nếu 30.4 chưa di dời được hết sức lòng hồ thì đơn vị sẽ cố gắng đến 30.6. Trước mắt miễn sao đưa được hết dân ở cao trình +475m về khu tái định cư số 1 và sẽ tiếp tục đưa các hộ tại các cao trình còn lại đến khu tái định cư số 2".

Xây trước, chờ cho phép chuyển đổi đất rừng sau

Để xây dựng khu tái định cư số 2, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk dự kiến đề nghị được chuyển đổi khoảng 75,67ha diện tích rừng (tiểu khu 689). Đối với vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Ban A tỉnh thực hiện tại văn bản số 710/UBND-NNMT ngày 22.1.2021.

Như vậy, để di dân vùng lòng hồ đến nơi tái định cư mới. Chủ đầu tư triển khai thêm tiểu hợp phần quy hoạch, xây dựng 2 khu tái định cư. Trong đó, Khu tái định cư số 1 đã hoạt động, nhận dân về.

Còn Khu tái định cư số 2, quy mô lớn gần gấp đôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng trước những diễn biến như hiện nay thì người dân vẫn chưa thể di dời về đây sớm được. Tiến độ dời toàn bộ dân 3 thôn 9, 10, 11 xã Cư San (huyện M'Đrắk) trước 30.4 của UBND tỉnh Đắk Lắk đề ra khó lòng hoàn thành được. Cũng vì lẽ đó, phía Bộ NNPTNT vẫn chưa thể cho Ban 8 xin UBND tỉnh Đắk Lắk chặn dòng đợt 3 do lo ngại dân vùng lòng hồ tiếp tục gánh chịu cảnh ngập lụt khi tích trữ nước.

Ông Nguyễn Phi Tiến - Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Lâm Nghiệp Ea Kar - cho hay, hơn 75ha đất rừng ở tiểu khu 689 là của đơn vị và hiện cây trồng chủ yếu là caosu. Công ty đã cung cấp các hồ sơ đất đai cho UBND huyện theo yêu cầu để làm thủ tục chuyển đổi đất rừng. Việc chuyển đổi đất này theo quy định cần phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chỉnh phủ.

Theo ông Hạ: "Khu tái định cư số 2 vẫn đang làm. Tại diện tích đất rừng ở tiểu khu 689, Công ty Lâm nghiệp Ea Kar giao khoán rừng cho dân và chính quyền địa phương đang rà soát lại tình hình quản lý sử dụng như thế nào để có kết luận đây là đất lâm nghiệp để không phải chi tiền đền bù, thuận tiện cho việc GPMB và chỉ hỗ trợ bồi thường hoa màu, tài sản trên đất. Phải chờ xem Thanh tra huyện ra kết luận như thế nào thì các đơn vị mới có cơ sở xây dựng phương án xử lý".

"Tiến độ hoàn thiện Khu tái định cư số 2 phù thuộc vào thời gian ra kết luận của huyện Ea Kar. Ngoài ra, Ban đang đôn đốc Sở Tài Nguyên Môi trường nghiệm thu bản đồ đo vẽ, xuất trích lục rồi tổ chức đi kiểm đếm, áp giá cây trồng để bồi thường và sau đó sẽ thoả thuận bàn giao mặt bằng để triển khai khối lượng công việc còn lại.

Việc chuyển đổi diện tích đất rừng kể trên là thủ tục hành chính, khu vực đất kể trên không còn rừng nữa, ngay cả lòng hồ Krông Pách thượng làm từ 2009 đến nay cũng chưa được Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi. Quan trọng nhất là hiện trạng khu đất trên không còn rừng, đã chuyển đổi làm caosu", ông Hạ nói.

Còn ông Lê Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar - lại cho rằng: "Ban tỉnh phải tổ chức kiểm đếm, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng đối với Khu tái định cư số 2. Ban không phải chờ UBND huyện ra kết luận. Kế hoạch của UBND tỉnh đã có, Ban cứ theo đó mà triển khai là được".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn