MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau giãn cách xã hội, thị trường lao động Hà Nội dần ổn định và khởi sắc. Ảnh: Lan Như

Dự báo 2 kịch bản của thị trường lao động cuối năm

ANH THƯ LDO | 01/12/2020 14:54
Thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động đã bắt đầu sôi nổi hơn, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các dịp lễ, tết.

Thị trường lao động sôi nổi hơn

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tháng 10, các doanh nghiệp công nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất chuẩn bị hàng hoá, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm.

Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động đã bắt đầu sôi nổi hơn, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các dịp lễ, tết.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra tình trạng sa thải, giãn giờ làm ở một số doanh nghiệp.

Tập trung chủ yếu ở một số ngành như dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, du lịch và ngành sản xuất khác để cầm cự với khó khăn sau dịch. Do vậy, người lao động vẫn đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Lan Như

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, trong tháng 10, thành phố huy động mọi nguồn lực và đã giải quyết việc làm cho 15,3 nghìn lao động, trong đó giải quyết việc làm cho 1.950 lao động từ nguồn vốn ngân sách của thành phố.

Trung tâm tổ chức 22 phiên với 565 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tham gia với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp có 6.445 chỉ tiêu.

Dự báo thị trường lao động trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, dự báo kinh tế quý IV phục hồi nhờ kết quả tích cực qua một số hoạt động như: Sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng…

2 kịch bản dự báo thị trường lao động

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhận định trong những tháng cuối năm, Hà Nội vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Ảnh: Lan Như

"Trên cơ sở dự báo tình hình thị trường lao động – việc làm Hà Nội có thể đi những kịch bản sau: Thứ nhất, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng kiểm soát và phòng chống dịch tốt, cùng với đó là sự mở cửa trở lại giao thương với những đối tác quốc tế, hoạt động lưu thông hàng hoá của các doanh nghiệp dần được khôi phục và sôi động hơn" - ông Thành nói.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, điều này dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ có những chuyển biến tích cực, hạn chế tình trạng lao động bị ngừng việc, mất việc.

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh để phục vụ các dịp lễ, tết, do đó nhu cầu tuyển dụng tập trung vào việc làm thời vụ, bán thời gian cũng sẽ tăng cao tập trung chủ yếu nhóm nghề như kinh doanh-thương mại, dịch vụ phục vụ…

Với kịch bản này, dự báo số người lao động mất việc làm hàng tháng dự kiến sẽ có xu hướng giảm xuống ở mức 5-7 nghìn người (giảm dần xuống mức trung bình dài hạn ở cùng thời kỳ so với các năm trước). Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm xuống còn khoảng 20-25%.

Về kịch bản thứ hai, Việt Nam trong các tháng cuối năm không kiểm soát được dịch, xuất hiện làn sóng thứ ba của COVID-19, tiếp tục lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Với kịch bản này, hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các hoạt động công nghiệp, dịch vụ phục vụ thị trường nội địa sẽ suy yếu, ví dụ như các hoạt động đầu tư, xây dựng, du lịch sẽ không được triển khai.

Dự báo, số mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, khoảng 10-12 nghìn lao động. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể lên đến 60-70%.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp nhận hàng chục nghìn hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tính đến cuối tháng 10.2020, có 69.472 người đến trung tâm làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, 68.777 hồ sơ đã được xét duyệt và có quyết định.

Thời điểm tháng 5 - tháng 6.2020, số người lao động thất nghiệp đến trung tâm làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm việc làm tăng đột biến. Con số này được đánh giá đạt ngưỡng cao nhất trong những năm trở lại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn