MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Bùi Phương mới chỉ nhận được 1 tháng tiền hỗ trợ thuê nhà. Ảnh: Minh Hương

Dự báo không sát, ế các gói an sinh

Nhóm PV LDO | 19/07/2023 06:00

Trong số 4 gói an sinh được đề xuất từ năm 2020-2022, chỉ 1 gói chi vượt dự kiến, mức chi của 3 gói còn lại rất khiêm tốn, thậm chí có nhóm chính sách chỉ đạt khoảng 3%. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc ế các gói an sinh là do việc dự báo không sát.

Yêu cầu như làm khó

Bán hàng rong ở Hà Nội từ năm 2013, chị Phạm Thị Nguyệt (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) lao đao khi dịch COVID-19 bùng phát. Nghe thông tin có gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị Nguyệt vui mừng.

Một trong những điều kiện được nhận hỗ trợ là có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 3 tháng trở lên trước ngày 1.4.2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ. Mưu sinh ở Hà Nội nhiều năm nên hộ khẩu thường trú của chị Nguyệt ở quê, đăng ký tạm trú thì ở Thủ đô nên khi nộp thủ tục nhận hỗ trợ, chị Nguyệt gặp không ít rắc rối. Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, việc làm thủ tục khó khăn, chị Nguyệt đành bỏ lỡ gói hỗ trợ này.

Hơn 14 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), gia đình anh Nguyễn Văn Hiệu (sinh năm 1985, quê Thanh Hóa) hiện đang thuê trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhắc về gói hỗ trợ thuê nhà ở của Chính phủ, anh Hiệu cho biết, anh làm hồ sơ và được nhận 1 triệu đồng hỗ trợ tiền thuê nhà của tháng 6.2022, đến nay anh vẫn chưa được nhận 2 tháng còn lại.

Chị Bùi Phương - từng là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cũng mới được nhận 1 tháng hỗ trợ trợ tiền thuê nhà, đến nay chưa nhận hết quyền lợi.

Phải rút kinh nghiệm

Giai đoạn 2020-2022, 4 gói chính sách quan trọng của Chính phủ đã hỗ trợ 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động, hơn 68 triệu lượt người lao động với số tiền trên 120.000 tỉ đồng.

Trong đó, gói 38.000 tỉ đồng trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giải ngân vượt dự kiến (chi hơn 41.000 tỉ đồng.

Gói 62.000 tỉ đồng năm 2020 dự kiến hỗ trợ 20 triệu người gặp khó khăn do COVID-19 nhưng chỉ đạt một nửa kế hoạch. Tỉ lệ giải ngân tiền mặt trực tiếp hơn 13.200 tỉ đồng, đạt 22%.

Gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch ban hành giữa năm 2021 gồm 12 nhóm chính sách hỗ trợ, song một số chính sách đạt tỷ lệ giải ngân chỉ 0,38 - 3,5%.

Gói 6.600 tỉ đồng được bố trí từ nguồn tăng thu giảm chi ban hành đầu năm 2022, dự kiến hỗ trợ tiền nhà cho 3,4 triệu lao động đang thuê trọ lẫn quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau đó xin hoàn lại ngân sách 2.900 tỉ đồng.

Khi tổng kết gói 62.000 tỉ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận rất khó thống kê, xác định lao động tự do. Doanh nghiệp gặp khó khi vay vốn từ gói 62.000 tỉ đồng để trả lương lao động ngừng việc dù liên tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ.

Báo cáo Thủ tướng về gói hỗ trợ tiền nhà 6.600 tỉ đồng, Bộ Tài chính cho biết, chưa giải ngân hết do dự báo số lao động cần hỗ trợ ban đầu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội “vênh” với thực tế người cần thụ hưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 18.7 về việc lao động không tiếp cận được chính sách, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, cơ quan soạn thảo đã đưa ra các yêu cầu quá cao.

Về tỉ lệ thụ hưởng thấp, tỉ lệ giải ngân không như kỳ vọng, ngoài nguyên nhân dự báo không sát, ông Huân nhấn mạnh đến việc đưa ra các tiêu chí quá khó. “Nhu cầu của người lao động là có, chỉ là đã đặt ra các yêu cầu, các mốc khó khăn” - ông Huân nói.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, các cơ quan liên quan phải rút kinh nghiệm để những lần làm chính sách sau sát hơn, đưa ra các tiêu chí sao cho thực hiện được để giúp người lao động. “Quan trọng là giúp giải quyết những khó khăn mà người lao động gặp phải theo đúng tiêu chí chính sách đưa ra” - ông Huân cho hay.

Đánh giá về tỉ lệ các gói giải ngân, ông Huân nêu quan điểm, nếu dự báo 10, thực hiện 7-8 thì chấp nhận được, nếu chỉ thực hiện 3-4 thì khó chấp nhận. Trong tương lai, phải tìm cách tháo gỡ những tồn tại.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, một trong những rào cản khiến các gói hỗ trợ không tiếp cận được doanh nghiệp, người lao động là do thủ tục rườm rà, phức tạp. Ngoài ra, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của địa phương cũng là một yếu tố khiến các gói này chậm giải ngân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn