MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm nay mùa đông ở miền Bắc có thể sẽ lạnh hơn mọi năm. Ảnh: VOV

Dự báo mùa đông năm 2017: Miền Bắc rét đậm và kéo dài hơn mọi năm

Bích Hà LDO | 18/10/2017 19:07
Chuyên gia dự báo, mùa đông năm 2017 có thể sẽ lạnh giá, xuất hiện nhiều đợt rét đậm kéo dài hơn mọi năm.

Theo các chuyên gia khi tượng thủy văn, mùa đông năm nay, hiện tượng ENSO tiếp tục được dự báo sẽ ở pha trung tính, nhưng nghiêng về pha lạnh của hiện tượng này trong các tháng cuối năm 2017 và gia tăng khả năng xuất hiện La Nina (là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, đây là một hiện tượng trái ngược lại với hiện tượng El Nino) vào đầu năm 2018 với xác suất xảy ra khoảng 50-60%.

Đối với miền Bắc nước ta, mùa đông xuân 2017-2018 rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn so với trung bình, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong thời đoạn tháng 1 và tháng 2.2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ nửa cuối tháng 10.2017 sẽ còn xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và nam biển Đông.

Theo GS-TS Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, ĐH Quốc gia HN), nếu xét về quy luật dựa trên chuỗi số liệu nhiều năm (điều kiện khí hậu), tháng 10 vẫn đang là tháng thuộc mùa mưa, cả ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

“Thông thường tháng 10 là tháng chuyển tiếp giữa hai mùa gió mùa: Gió mùa mùa hè (hay gió mùa Tây Nam) và gió mùa mùa đông (hay gió mùa Đông Bắc). Trong tháng này thường có những đợt không khí lạnh đầu mùa, chưa đến mức rét, chỉ hơi lạnh, nhưng thường gây ra những trận mưa lớn kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc,… ở các tỉnh phía Bắc” – GS Tân cho biết.

Cũng theo chuyên gia khí tượng thủy văn này, vào tháng 10, dải hội tụ nhiệt đới có vị trí trung bình ở khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá - Thừa Thiên - Huế); đây cũng là giai đoạn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều hơn ở khu vực này. Sự kết hợp giữa bão/áp thấp nhiệt đới/dải hội tụ nhiệt đới (nếu có) và hoạt động của không khí lạnh có thể tạo ra những đợt mưa lớn gây lũ lụt ở đây.

“Điều này cũng phản ánh một thực tế khách quan là điều kiện thời tiết, khí hậu đang ngày càng có xu hướng diễn biến khó lường, gây không ít khó khăn cho công tác dự báo. Do đó, việc dự báo nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm như trong những thập niên 70-80 sẽ không còn tác dụng, thay vào đó cần phải có những phương pháp, công cụ hiện đại hơn” – GS Phan Văn Tân chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn