MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong trung tâm du học Việt Trí MD (56 Lưu Hữu Phước, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

"Du học sinh trá hình": Giáp mặt những tư vấn viên "thiếu đạo đức"

Nhóm Phóng Viên LDO | 28/12/2019 10:35

Công ty môi giới du học giục với các học viên nên "xuống tiền" đăng ký du học Nhật Bản càng sớm càng tốt để có cơ hội đi làm thêm, kiếm hơn 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sau mấy năm về nước lại có thêm "bằng quốc tế", cả thế giới công nhận, doanh nghiệp trải thảm đỏ mời chào về làm việc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, sự thật không phải như vậy. 

Du học kiếm hơn 400 triệu đồng/năm?

Video: Cấp sổ tiết kiệm ảo và "du học sinh trá hình".

Báo Lao Động mới đây đăng tải loạt bài cấp sổ tiết kiệm ảo và du học sinh trá hình miêu tả thực trạng hàng loạt công ty môi giới du học kết nối với một số ngân hàng lập các sổ tiết kiệm ảo nhằm hợp thức hoá hồ sơ cho các "du học sinh trá hình" sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo đó, tại các đơn vị như: Công ty cổ phần phát triển giáo dục và thương mại Việt Nhật PTM (địa chỉ 68 Lưu Hữu Phước, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Trung tâm du học Nhật Bản Yuki thuộc Công ty TNHH Thương mại và đào tạo Nhật Linh (địa chỉ 101A Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội), Trung tâm du học Việt Trí MD thuộc Công ty cổ phần hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam (địa chỉ 56 Lưu Hữu Phước, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều tồn tại các dịch vụ lập các sổ tiết kiệm ảo, gian lận chứng minh năng lực tài chính hòng qua mặt Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản.

Ngoài ra, các công ty còn có đủ các chiêu trò, dịch vụ khác để “đẩy” du học sinh trá hình sang các nước như: “bao đậu” chứng chỉ Tiếng Nhật (tại Công ty cổ phần phát triển giáo dục và thương mại Việt Nhật PTM), cấp khống một số giấy tờ khác, ví dụ như giấy tờ xác nhận công việc sau khi tốt nghiệp cấp 3 (tại trung tâm du học Nhật Bản Yuki). Không chỉ vậy, có công ty còn hứa hẹn về những mức thu nhập "khủng", ngoài sức tưởng tượng với một du học sinh.

Nhiều học viên tại trường dạy tiếng của Trung tâm du học Việt Trí MD (Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) xuất thân từ các miền quê nghèo, chứng minh tài chính du học bằng các cuốn sổ tiết kiệm “ảo” theo cách công ty hướng dẫn và chuẩn bị trở thành... “du học sinh“. 

Tại Trung tâm du học Việt Trí MD (thuộc Công ty cổ phần hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam) địa chỉ 56 Lưu Hữu Phước, Nam Từ Liêm, Hà Nội, sau khi giới thiệu về dịch vụ cấp sổ tiết kiệm ảo với mức phí 7 - 8 triệu đồng, chúng tôi được Phó Tổng Giám đốc của công ty này là bà Phùng Thị Thơm đưa cho xem một bảng thống kê lương làm thêm của du học sinh Nhật Bản. 

Bà Phùng Thị Thơm, Phó Tổng Giám đốc Công ty công ty cổ phần hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam .

Con số 403 triệu đồng/năm đập vào mắt khiến tôi choáng váng. "Làm thế này thì làm sao có thời gian nghỉ ngơi, học tập", tôi thắc mắc.

"Ở độ "tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu" như cháu không có từ mệt, chỉ có từ thích nghi thôi. Bao nhiêu người làm được tại sao cháu không làm được", bà Thơm gắt gỏng.

Để chiêu dụ học viên, bà Thơm "dìm" nền giáo dục trong nước với những lời lẽ tiêu cực, sai về bản chất: "Vì sao phải đi du học? Môi trường học tập của Việt Nam thì là gì, đánh bài, nhậu đầy ra. Nhiều sinh viên học xong ra trường đi chạy Grab, thế thì học làm chó gì. Mất 4 năm tiền ngu".

Rồi vị phó tổng giám đốc vẽ ra trước mắt tôi tương lai đầy hoa hồng: "Đi du học vừa có thu nhập cao, học xong mấy năm về lại có ngoại ngữ, có "bằng quốc tế" cả thế giới công nhận, doạnh nghiệp trong nước người ta trải thảm đỏ mời về. Bây giờ là công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức rồi cháu phải nhanh nhạy lên".

Bảng tư vấn mức thu nhập của du học sinh Nhật Bản mà bà Thơm giới thiệu cho phóng viên. Theo bảng này thì sinh viên khó có thời gian nghỉ ngơi, học tập.

Nói đoạn, bà Thơm giục tôi về nói với bố mẹ đóng tiền sớm cho trung tâm để được nhận nhiều ưu đãi, "đóng nhanh không cơ hội vụt qua nhanh lắm".

Kiếm 400 triệu đồng/năm thì phải đi làm chui

Phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với T.T (20 tuổi, Thái Bình), một du học sinh đang sống và làm việc tại Nhật Bản thông qua môi giới của trung tâm Việt Trí MD để tìm hiểu về thực hư của mức thu nhập khủng này.

"Không thể có mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm cho du học sinh vừa học vừa làm tại Nhật Bản như bà Thơm nói", T.T cho biết.

Theo lời T.T nếu làm 28 tiếng/tuần theo đúng quy định của luật pháp Nhật Bản thì lương của những du học sinh Nhật như em chỉ dao động khoảng 20-30 triệu đồng. Sau khi trừ thuế đi thì nhiều lắm được khoảng hơn 20 triệu đồng. Số tiền này chỉ tạm đủ sinh hoạt tằn tiện và đóng học phí.

Cũng theo lời nữ sinh này, đối với các "du học sinh trá hình" ngoài khoản chi phí sinh hoạt và tiền gửi về cho gia đình trả nợ chi phí lúc đi, gánh nặng hơn cả là khoản tiền gần 200 triệu đồng cho mỗi kỳ học.

"Nếu muốn có tiền đóng học phí khoảng 200 triệu cho kỳ học sau, những du học sinh như em bắt buộc phải làm quá số giờ quy định. Nếu không có tiền thì lựa chọn duy nhất là phải nghỉ học và trốn ra ngoài làm chui. Nhiều bạn vì áp lực kiếm tiền trả nợ chi phí du học đã làm việc đến kiệt sức. Có trường hợp đã đột tử", T. xót xa.

T. làm thêm tại một nhà hàng tại Tokyo (Nhật Bản) - Ảnh: NVCC.

Chị P.L (29 tuổi, Bắc Ninh) cũng từng là một "du học sinh trá hình" tại Nhật Bản. Sau 3 năm vừa học vừa làm tại xứ sở mặt trời mọc, chị P.L cho biết bản thân đã vỡ mộng.

"Để kiếm thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm cho chi phí sinh hoạt, trả nợ và học phí các kỳ học, "du học sinh trá hình" chỉ có cách là làm thêm quá giờ quy định, làm chui. Thời gian ngủ, sinh hoạt còn không có thì nói gì đến đi học", chị P.L khẳng định.

Cựu du học sinh này cũng cho biết thêm: "Đã xác định đi du học theo cái đường vay mượn này thì thực chất là xuất khẩu lao động chứ học hành gì, lấy đâu "bằng quốc tế" mang về như lời công ty hứa hẹn. Có người sau 3 năm du học về còn chẳng biết từ tiếng Nhật nào vì quanh năm suốt tháng bưng bê bát đũa, gọt củ khoai tây trong xó bếp nhà hàng".

Những môi giới du học "thiếu đạo đức, thiếu lương tâm"

Theo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, việc các công ty tư vấn du học cố tình thổi phồng, quảng cáo sai sự thật của về mức thu nhập làm thêm lên tới hơn 400 triệu đồng/năm cho du học sinh là nguyên nhân dẫn tới tình trạng "du học sinh trá hình" gia tăng tại Nhật Bản.

Đại sứ quán Nhật Bản đã dùng những tính từ rất nặng khi gọi các công ty tư vấn du học lừa đảo là những "môi giới thiếu đạo đức, thiếu lương tâm". Việc thu phí môi giới cao cũng dẫn tới nhiều du học sinh mang gánh nợ nặng nề khi ra đi và dễ bỏ trốn, phạm tội tại Nhật Bản.

Sự thật du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản không "dễ dàng" như những gì các công ty tư vấn du học quảng cáo. Những căn hộ chật chội nhồi hàng chục người, nếu có đi làm cũng nhận được mức lương rất thấp, 3 năm lao động, tiết kiệm cũng không bù được chi phí đã bỏ ra trước khi đi là những điều mà không ít du học sinh và gia đình phải ngậm đắng chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn